Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thời gian qua, tai nạn thương tích (TNTT) với trẻ em (TE) xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Để phòng tránh TNTT cho TE, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) đã triển khai xây dựng “Ngôi nhà an toàn” trong toàn tỉnh. Thực hiện mô hình này, TX.Thuận An triển khai và đã phát huy hiệu quả, được chính quyền và nhân dân địa phương hưởng ứng, góp phần quan trọng vào phòng tránh tai nạn cho trẻ.
Các em nhỏ TX.Thuận An được huấn luyện viên hướng dẫn bơi để phòng chống đuối nước. Ảnh: T.LÝ
Chung tay thực hiện
Là địa phương có nhiều sông, suối nên có nguy cơ cao mất an toàn cho trẻ, nhất là tai nạn đuối nước. Trước tình hình đó, sau khi nhận được kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH về xây dựng và triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại địa phương, UBND TX.Thuận An đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH thị xã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp thị xã, phường, đồng thời xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) nhiệt tình, năng nổ tại các khu phố, tổ dân cư. Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, TX.Thuận An đã lựa chọn các gia đình có TE để tham gia mô hình. BCĐ cùng mạng lưới CTV đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông về “Ngôi nhà an toàn” thông qua nhiều hình thức: Truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp, tổ chức các buổi tọa đàm, các lớp truyền thông tại trụ sở UBND phường, xây dựng góc truyền thông về “Ngôi nhà an toàn” cho TE.
Cùng với đó, thị xã cũng xây dựng quy chế và nội dung hoạt động. Cụ thể, BCĐ các cấp đã phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên phụ trách một nhóm hoạt động chuyên đề về một lĩnh vực. Theo đó, hiệu trưởng trường THCS, tiểu học, mầm non làm tổ trưởng nhóm hoạt động phòng chống TNTT, xây dựng trường học an toàn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thị xã phối hợp với trưởng khối, các đoàn thể thành lập hội đồng hòa giải nhằm giảm bạo lực, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
BCĐ cũng giao nhiệm vụ cho đội ngũ CTV đến từng gia đình, đặc biệt là những hộ có trẻ dưới 10 tuổi tư vấn về các yếu tố gây TNTT và các biện pháp can thiệp tránh xảy ra tai nạn cho trẻ; thường xuyên giám sát, tư vấn, hỗ trợ từng hộ thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn. BCĐ còn đưa ra nhiều sáng kiến xây dựng và phát triển các trang thiết bị an toàn để phòng tai nạn cho TE như làm cũi giữ trẻ, giá để dao, chắn bậc cầu thang, hàng rào quanh ao, hồ, sông, suối...
Ông Nguyễn Hoàng Phi, Phó phòng LĐ-TB&XH TX.Thuận An cho biết, trong ngôi nhà chúng ta đang sống có rất nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Một phích nước, một ổ cắm điện nếu người lớn sơ ý không để mắt, quan tâm đến đều có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc cho trẻ như bỏng, điện giật, ngã... Do đó, để phòng tránh TNTT TE ngay trong gia đình, các bậc phụ huynh phải biết trong ngôi nhà mình có những nguy cơ gây TNTT cho con em và loại bỏ nó đi, nói cách khác là sắp xếp ngôi nhà của mình thành “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ.
Đồng lòng tích cực tham gia
Thấy được lợi ích của mô hình “Ngôi nhà an toàn”, những hộ dân có con nhỏ đã tích cực tham gia. Theo khảo sát của Phòng LĐ-TB&XH thị xã, năm 2015, toàn thị xã có 6.004 hộ có TE dưới 10 tuổi, số hộ đạt 23/33 tiêu chí được 3.519 hộ, hộ đạt 33/33 tiêu chí gồm 547 hộ… Chị Lê Thị Hồng Thắm (1/27, khu phố Bình Thuận 1, phường Thuận Giao) là gia đình đạt 33/33 tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ nói: “Từ khi được các cán bộ lao động đến tận nhà tuyên truyền về việc xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em”, góp phần phòng tránh TNTT cho trẻ, gia đình tôi đã xây dựng hàng rào sắt để bé không ra đường, đến kênh mương; lúc trước lơ là một chút là bé chạy ra đường, rất nguy hiểm. Thấy được hiệu quả của việc xây dựng “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ nên nhiều nhà trong khu phố cũng đã làm theo…”.
“Ngôi nhà an toàn” phải bảo đảm trong năm không có TE bị TNTT tại nhà và phải đạt 23/33 các tiêu chí quy định tại Điều 1 của Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH ngày 6-5-2011 của Bộ LĐ-TB&XH, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc phải đạt bao gồm: Tiêu chí d, e, h, của nhóm tiêu chí Bảo đảm an toàn xung quanh nhà; tiêu chí a, g của nhóm tiêu chí Bảo đảm an toàn các phòng trong ngôi nhà; tiêu chí a, b, c, d của nhóm tiêu chí Bảo đảm an toàn về điện; tiêu chí a, b của nhóm tiêu chí Bảo đảm an toàn cầu thang và lan can; tiêu chí a, d, e của nhóm tiêu chí Bảo đảm an toàn các đồ dùng trong gia đình; tiêu chí a của nhóm tiêu chí Một số quy định an toàn khác. |
Có thể thấy, khi thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn” cho TE, đã tác động mạnh mẽ đến phụ huynh, toàn xã hội. Mô hình này cũng đã từng bước ngăn chặn hạn chế đến mức thấp nhất TNTT cho TE, đặc biệt là TNTT xảy ra trong gia đình, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng của TE và sự phát triển bền vững của cộng đồng xã hội. Nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, các bậc cha mẹ và cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE.
“Trong thời gian tới, để xây dựng thành công cộng đồng an toàn, thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống TNTT, TX.Thuận An sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong việc phòng chống TNTT, góp phần giảm tỷ lệ TNTT ở trẻ xuống mức thấp nhất”, ông Nguyễn Hoàng Phi nói thêm.
T.LÝ