Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cần chọn những vấn đề đang vướng mắc, liên quan đến nhiều luật để sửa đổi, từ đó mở ra những vấn đề mới, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Quang cảnh phiên họp.
Tiếp tục Phiên họp, sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Bảo đảm tính khả thi, thống nhất
Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Hồ sơ Dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung làm rõ.
Về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của Dự án Luật với hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trình tự lập quy hoạch, nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ cũng đề xuất ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản, sửa đổi Luật Điện lực và Luật Di sản văn hóa sửa đổi các nội dung về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mà không đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay các quy định có liên quan đến các nội dung nói trên tại Luật Quy hoạch là chưa phù hợp.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật này để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị không quy định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là một loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.
Về danh mục dự án trong nội dung của các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung “Danh mục dự kiến các dự án ưu tiên...” của các cấp quy hoạch này chưa xử lý được triệt để các vướng mắc đối với cách hiểu về quy định đánh giá sự phù hợp của dự án với các quy hoạch tại bước chủ trương đầu tư nêu trên tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư do chưa làm rõ được dự án thế nào là phù hợp với quy hoạch.
Đồng thời, các quy định nói trên cũng chưa được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp với quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Về lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP và hạ mức quy mô tối thiểu hoặc bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu có thể góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước.
Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm chưa được tổng kết, đánh giá. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật PPP, các dự án PPP sẽ được áp dụng “cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu,” do đó việc đề xuất mở rộng lĩnh vực và quy mô đầu tư PPP có thể dẫn đến rủi ro cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới. Vì vậy, đề nghị cân nhắc, thận trọng đối với đề xuất này và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng.
Ngoài ra, Luật PPP đã được áp dụng khoảng 5 năm, nhưng việc huy động các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP thời gian qua để có giải pháp phù hợp hơn.
Chỉ sửa đổi những vấn đề cần thiết, cấp bách
Nhất trí việc sửa luật để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra cũng như nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn thời gian qua, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cần chọn những vấn đề đang vướng mắc, liên quan đến nhiều luật để sửa đổi, từ đó mở ra những vấn đề mới, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, chứ không chỉ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước. Việc ban hành một luật để sửa nhiều luật, nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề cấp bách là rất cần thiết.
“Cơ bản không nên bớt những vấn đề không cần thiết, không cầu toàn; không hợp thức hóa những sai phạm, tránh sửa chỗ này lại mắc chỗ kia,” Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, chỉ sửa đổi, bổ sung những gì thực sự vướng mắc, cấp thiết, tránh làm phức tạp quá trình sửa 4 luật.
Đặt vấn đề trong lĩnh vực PPP, đề xuất luật hóa nhiều nội dung đang thực hiện thí điểm trong Luật PPP có phù hợp không, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần phải có tổng kết, đánh giá thực tiễn đang thực hiện như thế nào và cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trong quá trình sửa đổi.
Nêu ý kiến, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng, xây dựng hành lang pháp lý không chỉ hỗ trợ mà còn kiến tạo phát triển cho người dân nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Việc rà soát những vấn đề thực sự cấp bách, cần thiết để sửa đổi là rất chính xác. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát những vấn đề quan trọng theo ý kiến đóng góp của các đại biểu để đảm bảo đồng bộ của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, khi Quốc hội cho ý kiến về Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các đại biểu đã chất vấn rất sôi nổi. Nhiều dự án trước đây đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhưng không thực hiện được, lại chuyển hết sang đầu tư công.
Chỉ ra những vướng mắc lớn, như cơ chế thu lại phần vốn nhà nước, người dân chưa đồng tình với vị trí đặt trạm thu phí, có dự án BOT doanh thu sụt giảm, không có khả năng phục hồi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh trật tự, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét sửa đổi thận trọng, chỉ sửa đổi những vấn đề đã chín, đã rõ được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao./.
Theo TTXVN