Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Vòng chung kết Cuộc thi Phát triển Ứng dụng AIoT Developer InnoWorks 2022 do trường đại học Việt Đức và Advantech Việt Nam tổ chức ngày 10-5 vừa qua đã chứng kiến sự tranh tài của nhiều ý tưởng thú vị và có tính thực tế. Chung cuộc, đề tài về ứng dụng AIoT trong xử lý camera cảm biến đường phố của nhóm VGU-Warriors đã giành chiến thắng.
Đưa AIoT ứng dụng vào đời sống thường nhật
6 đề tài lọt vào vòng chung kết đều mang đến những ý tưởng độc đáo và gắn liền với thực tế.
Nhóm Doktour hướng đến xây dựng ứng dụng cho các bệnh nhân có nhu cầu cần thăm khám sẽ tiến hành yêu cầu kết nối y tế, sử dụng thuật toán và AI để chọn ra bác sĩ phù hợp nhất và gửi thông báo đến bác sĩ đó.
Trong khi đó, nhóm I-Construction mong muốn cung cấp thông tin thời gian thực về tình trạng kết cấu các công trình, từ đó tạo điều kiện bảo trì kịp thời với thông tin chính xác từ cảm biến.
Nhóm Telepatia phát triển một giải pháp sử dụng công nghệ thực tế ảo cho các cánh tay rô-bốt công nghiệp có thể sao chép chức năng và hành vi của cánh tay thật.
Nhóm VGU-Warriors mang tới dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện những sự kiện “bất thường” xảy ra trong video thu được từ camera gắn trên thiết bị tại biên, nhận diện tội phạm bất thường với thời gian xử lý nhanh nhất có thể.
Ứng dụng Ambulance Mobilization của nhóm N3T giúp tìm xe cứu thương trống gần bệnh nhân nhất và gửi thông tin xe bao gồm vị trí và thời gian dự kiến đến cho bệnh nhân, gửi thông tin bệnh nhân đến bệnh viện đích đến để bệnh viện kịp thời chuẩn bị.
Ứng dụng của nhóm CommunityHealthcare giúp bạn tìm người chăm sóc tận nơi, đồng thời giám sát tình trạng sức khỏe của bạn và người thân ở xa.
Quán quân thuộc về VGU-Warriors: Giải pháp camera nhận diện tội phạm
Sau buổi thi căng thẳng bao gồm thuyết trình, trình bày báo cáo kỹ thuật, video mô tả dự án và trả lời chất vấn từ ban giám khảo, chiến thắng chung cuộc đã thuộc về nhóm VGU-Warriors.
Dự án được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn. Theo đó, nhóm đã lên được sản phẩm demo phần nào hoàn chỉnh và khả thi, ứng dụng công cụ Advantech Cloud để hoàn thiện và kết nối tự công cụ tại biên, model AI để thực hiện quá trình trực tiếp trên thiết bị biên mà không cần chuyển data lên cloud. Những sự kiện bất thường trong khuôn khổ dự án bao gồm 12 loại “Lạm dụng, Bắt giữ, Đốt phá, Tấn công, Trộm cắp, Nổ, Đánh nhau, Tai nạn giao thông, Cướp, Bắn, Trộm cắp, Phá hoại” sẽ được truyền tải cho người sử dụng có thể theo dõi tình trạng của thiết bị biên và hệ thống thông báo khi có sự kiện bất thường xảy ra.
Giải thưởng cho đội giành giải Nhất trị giá 65 triệu đồng, giấy chứng nhận từ ban tổ chức, và cơ hội để tham gia vòng liên trường cũng như giao lưu quốc tế. Các giải Nhì và Ba lần lượt thuộc về I-Construction và Doktour.
“Thông qua cuộc thi, các bạn sinh viên sẽ được tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ của Advantech để có thể làm quen và triển khai được các giải pháp ứng dụng của mình trên nền tảng AIoT của Advantech. Sau chương trình, các bạn sẽ có cơ hội thực tập tại Advantech Việt Nam và sẽ được tạo cơ hội để tham gia vào các dự án thực tế lớn mà chúng tôi đang triển khai trong nước" - ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám Đốc Advantech Việt Nam chia sẻ.