| 25-11-2024 | 08:47:56

Ứng xử có văn hóa trên đường

Khoảng 7 giờ 30 phút sáng, một vụ va chạm giữa 2 xe máy xảy ra trên đường ĐT746, qua địa bàn TP.Tân Uyên, khiến một thanh niên chấn thương. Cú va chạm cũng khiến một bé khoảng 3 tuổi văng ra khỏi xe. Sự việc xảy ra trước một phòng khám đa khoa nên các đương sự nhanh chóng được người đi đường đưa vào sơ cứu.

Khi nhân viên y tế đang cố gắng các bước sơ cứu ban đầu cho nạn nhân thì xuất hiện một người đàn ông, có lẽ là cha đứa bé trong vụ tai nạn, hùng hổ đi vào. Anh ta liếc mắt nhìn quanh, sau đó hỏi vợ vài câu rồi tiến thẳng vào khu vực cấp cứu. Nhìn ánh mắt, cử chỉ của người đàn ông ấy, mọi người có mặt chờ khám bệnh bỗng ái ngại vì sợ bỗng dưng trở thành “đối tượng” của anh ta. Thấy đương sự đang nằm trên băng ca với bê bết máu, người đàn ông buông những câu chửi rủa trước khi bực bội bước ra ngoài.

Chứng kiến cảnh này, nhiều người ngán ngẩm sợ bị vạ lây vì nhầm tưởng liên quan đến vụ tai nạn giao thông kia. Và cái sự sợ vạ lây không phải không có lý.

Thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp “bị ăn đòn oan” vì những tình huống tương tự. Khi xảy ra va chạm trên đường, một số nhân vật là người nhà của nạn nhân, do đến sau và không hiểu chuyện gì xảy ra đã lao vào to tiếng, thậm chí ăn thua đủ với những người mà mình “nghi ngờ”. Trước tình cảnh này, nhiều người cho rằng khi đi đường, thấy va chạm hay sự cố giao thông, dù rất muốn nhưng họ ngại đưa nạn nhân đi cấp cứu vì sợ bị liên lụy.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là chúng ta làm ngơ trước các sự cố trên đường mà trong khả năng mình có thể giúp đỡ. Giúp đỡ người khác gặp nạn trong khả năng của mình, vừa thể hiện trách nhiệm của một công dân, vừa thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Nhưng để lòng tốt không bị nghi ngờ oan hay liên lụy đến những rắc rối không cần thiết, mỗi người cần ứng xử văn minh khi xảy ra sự cố, cũng như cần có sự trợ giúp của những người xung quanh, để kịp thời “giải oan” nếu chẳng may gặp phải các tình huống phát sinh.

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ