| 12-04-2021 | 08:31:22

Ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh

Ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD) là mục tiêu đúng đắn của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là mục tiêu chung của cả hệ thống chính trị nhằm vực dậy khu vực SXKD sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ưu tiên vốn cho SXKD được hệ thống ngân hàng cụ thể hóa theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tín hiệu khả quan đối với các ngân hàng là tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm đang có dấu hiệu phục hồi. Sau khi tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với một số tổ chức kinh tế, cá nhân và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho những doanh nghiệp, khách hàng bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đồng thời thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trở lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực ngân hàng, tình hình phục hồi tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc nhiều vào việc phục hồi SXKD, trong khi đó việc phục hồi SXKD lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát dịch bệnh của thế giới và Việt Nam, hiệu quả của các gói hỗ trợ, sự hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh gồm cả khâu sản xuất, phân phối vắc-xin và mức độ khôi phục kinh tế của các nước trên thế giới... Mặc dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ được cải thiện trong thời gian tới, nhưng dự báo rủi ro do dịch bệnh Covid-19 gây ra vẫn còn và tăng trưởng tín dụng ít nhiều phụ thuộc vào việc phòng, chống dịch bệnh không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước trên thế giới. Trong khi đó, dịch bệnh tại nhiều nước hiện vẫn chưa được kiểm soát, cho dù đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 miễn phí toàn dân. Tại Campuchia và Thái Lan, tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp với số ca mắc trong ngày lên đến 3 con số. Đây không chỉ là nguy cơ với các quốc gia trong khu vực mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro đối với Việt Nam, bởi có chung đường biên giới cả trên bộ và trên biển. Một khi dịch bệnh xâm nhập chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến SXKD, kéo theo ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Dẫu vậy, thế giới sau thời gian dài đối mặt với dịch bệnh Covid-19 đang tìm mọi cách để khôi phục kinh tế. Nhiều nước đã đề ra kế hoạch tiêm phòng vắc-xin Covid-19 toàn dân, một số nước sắp hoàn thành việc tiêm vắc-xin trên diện rộng. Điều này cho thấy dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi và việc phục hồi kinh tế tại các nước sẽ sớm diễn ra. Ưu tiên vốn cho SXKD ngay từ bây giờ là mục tiêu đúng đắn của ngành ngân hàng, vừa giúp tăng trưởng tín dụng, vừa góp phần tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ và các địa phương đã đề ra trong năm nay.

LÊ QUANG

Chia sẻ