| 10-06-2021 | 05:48:53

Vắc xin nhân đạo

 Bộ trưởng Thương mại 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa nhóm họp trực tuyến và đã nhất trí đẩy mạnh phục hồi kinh tế bằng việc tăng tốc phân phối vắc xin ngừa Covid-19. Rõ ràng, trong đại dịch Covid-19, thế giới dường như đã “xích lại gần nhau hơn”, đồng thuận, trách nhiệm hơn đối với sức khỏe người dân, bất luận là thuộc quốc gia nào.

 Đặc biệt, trong một tuyên bố chung, các Bộ trưởng Thương mại APEC nêu rõ vai trò của tiêm chủng mở rộng ngừa Covid-19 như một lợi ích công cộng toàn cầu, cần khẩn cấp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vắc xin một cách an toàn, hiệu quả, bảo đảm chất lượng và giá cả phải chăng. Tuyên bố cũng nhấn mạnh vai trò của thương mại và đầu tư trong việc bảo đảm tiếp cận rộng rãi, bình đẳng đối với vắc xin. Các Bộ trưởng APEC cũng đã thảo luận về việc loại bỏ tạm thời một số biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa Covid-19, xem xét lại mức thuế và các loại hàng hóa, nguyên phụ liệu liên quan trong chuỗi sản xuất, cung ứng vắc xin.

Đàm phán, ra tuyên bố chung trong lĩnh vực thương mại của các nước thành viên trong những tổ chức kinh tế thế giới, trong đó có APEC, thường phải mất rất nhiều thời gian để có sự thống nhất cao. Nhưng trong kỳ nhóm họp này, các thành viên APEC đã đi đến đồng thuận cao, nhanh chóng, tất cả vì vai trò nhân đạo trong phòng, chống dịch bệnh của toàn cầu. Lợi ích kinh tế, quyền sở hữu trí tuệ, thuế nhập khẩu… của từng quốc gia không còn quá quan trọng trong vấn đề sản xuất, cung ứng vắc xin ngừa Covid-19.

Covid-19 đã trở thành đại dịch của toàn cầu, dù ở mức độ khác nhau, nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt, chịu ảnh hưởng tiêu cực, từ kinh tế đến xã hội, tính mạng người dân ở mỗi nước đều bị đe dọa. Yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người trên toàn thế giới là trên hết, không chỉ riêng các thành viên APEC, mà hầu như các tổ chức, diễn đàn kinh tế - xã hội của thế giới đều chung tay vào cuộc. Cùng với đó là các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế mạnh, các tập đoàn tiềm lực đều dốc sức cho nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vắc xin ngừa Covid-19. Thế giới cũng có hẳn một cơ chế phân phối vắc xin ngừa Covid-19 một cách công bằng, tạo mọi điều kiện cho các quốc gia bình đẳng trong tiếp cận.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ