Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Vaccine ngừa COVID-19 dạng xịt Mambisa của Cuba.
Vaccine phòng COVID-19 dùng đường mũi, họng vẫn được coi là một vũ khí lợi hại chống dịch bệnh trong tương lai dù kết quả thử nghiệm lâm sàng gần đây của AstraZeneca không thực sự thành công như mong đợi.
Đi vào cơ thể người tương tự cách mà virus SARS-CoV-2 xâm nhập, vaccine dùng đường mũi nhằm tạo khả năng miễn dịch trong màng nhầy ở mũi và miệng.
Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh ngay từ hệ hô hấp ngoài và cũng giúp giảm nguy cơ người nhiễm bệnh tiếp tục lây lan cho người khác.
Vaccine dùng đường mũi vì thế được tin là bước đột phá lớn so với việc dùng vaccine để tiêm trên cánh tay.
Cách làm truyền thống này đã phát huy hiệu quả tốt trong ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng nhưng lại chưa thực sự hiệu quả trong ngăn chặn bệnh lây lan.
Tháng trước, Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 mà không dùng bằng đường tiêm, theo đó xông qua mũi và miệng bằng một thiết bị đặc biệt.
Sau đó vài ngày, Ấn Độ cũng cấp phép một loại vaccine dùng đường mũi họng nội địa.
Tuy nhiên, tuần trước, các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 sử dụng vaccine phòng COVID-19 dạng xịt mũi đơn giản của AstraZeneca.
Tuy nhiên, kết quả chỉ ra vaccine chỉ kích thích sản sinh kháng thể màng nhầy ở nhóm nhỏ các tình nguyện viên tham gia, phản ứng miễn dịch cũng yếu hơn so với việc sử dụng vaccine tiêm. Nghiên cứu đăng trên tạp chí eBioMedicine.
Chuyên gia Sandy Douglas, từ Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu lâm sàng, cho biết vaccine dạng xịt không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Điều này rất khác với dữ liệu thử nghiệm được Trung Quốc công bố và nhiều khả năng là do vaccine tại Trung Quốc được đưa vào sâu trong phổi nhờ thiết bị đặc dụng hơn.
Việc chỉ sử dụng vaccine xịt đơn giản khiến hầu hết vaccine cuối cùng bị nuốt vào bụng (thay vì đi vào hệ hô hấp) và bị tiêu hóa trong dạ dày.
Chuyên gia virus học Connor Bamford tại Đại học Queen ở Belfast cho biết điều quan trọng là không quá thất vọng về kết quả này mà cần tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vì sao vaccine dùng đường mũi chưa phát huy hiệu quả, từ đó tìm ra cách phát triển phiên bản mới hiệu quả hơn./.
Theo TTXVN