Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đối với thế hệ học sinh ngày nay, việc học thêm là chuyện rất phổ biến. Nhiều bạn thậm chí có lịch học từ sáng đến tối, tính cả học thêm lẫn học chính thức, một tuần có khoảng 3 - 4 ngày học “toàn thời gian” như vậy. Học ngoại ngữ chưa đủ, nhiều em còn học thêm các môn khác như toán, văn, hóa, lý hay nhiều môn khác thuộc chương trình đào tạo phổ thông. Thực tế sau khi tốt nghiệp THPT, lượng kiến thức sử dụng được từ những năm học trước là không nhiều, thường chỉ đến từ một hoặc một vài môn liên quan đến chuyên ngành được đào tạo tại đại học, cao đẳng. Việc học là quan trọng, kiến thức phổ thông là điều kiện tối thiểu cần được mọi người trang bị. Nhưng ở đây, chúng ta đang nói đến mức độ và những hành trang quan trọng khác ít được quan tâm hơn thành tích học tập của trẻ em.
Tính chủ động trong việc học vẫn chưa được chú ý. Kiểu truyền tải kiến thức một chiều, giáo viên cung cấp thông tin cho học sinh ghi chép vẫn là phương pháp giảng dạy chính ở cấp học phổ thông. Những hoạt động thể thao, nghệ thuật cần phải đẩy mạnh hơn nữa nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em, kéo các bạn ra khỏi màn hình điện tử, giúp việc giải trí của trẻ em bớt phụ thuộc vào công nghệ. Để giúp các em học sinh có thêm cơ hội trải nghiệm và nhìn ngắm thiên nhiên, những buổi dã ngoại, du lịch ngắn ngày nên được tổ chức. Nếu muốn học sinh hiểu hơn về lịch sử và cội nguồn dân tộc, thay vì chỉ giảng dạy qua sách vở, việc tổ chức các chuyến tham quan đến bảo tàng, di tích lịch sử nên được tổ chức thường xuyên hơn, vừa tăng sự hào hứng của trẻ trong việc học vừa là cơ hội tìm kiếm thêm những bài học không được dạy trong sách vở.
Đặc biệt, cần phải chú ý tới cách cư xử và lời ăn, tiếng nói của trẻ em. Chào hỏi người lớn hơn là chuyện cơ bản, nhưng thực chất vẫn là điều thiếu sót ở không ít các em học sinh hiện nay. Phải dạy cho các em cách chào hỏi, cảm ơn và xin lỗi người khác. Đã có không ít các trường hợp học sinh cư xử vô lễ, vô văn hóa với bạn bè và thầy cô, thậm chí động tay chân trên giảng đường, càng làm rõ hơn tầm quan trọng trong việc giáo dục các em về đạo đức. Chuyện nhiều bạn mới cấp một đã biết nói tục, nói những chuyện không phù hợp với lứa tuổi diễn ra ngày càng nhiều. Những người lớn như chúng ta phải tìm cách để giáo huấn, ngăn ngừa các vấn đề kể trên, trong đó trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình và thầy cô. “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn phải được chú trọng. Vì trong bất kỳ lĩnh vực nào, đạo đức cũng là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá về con người.
LÊ NAM