Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong vài năm gần đây, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng (VNQC) tại Bình Dương đã có nhiều khởi sắc, dần thoát ra khỏi “vỏ bọc” của sự nhàm chán. Cụ thể, các đội thông tin lưu động (TTLĐ) đã đưa những vở kịch, điệu múa... thay cho những bài hát suông. Thế nhưng, lượng khán giả đến xem lại quá ít, thậm chí ít hơn diễn viên... Đó là một thực tế đáng buồn cho những đêm VNQC, cũng như những người tâm huyết cống hiến cho nghề phục vụ nhu cầu tinh thần. Tiết mục kịch tuyên truyền của Phòng VH-TT TX.Dĩ An
Tìm hiểu thực trạng này, chúng tôi đã đến xem nhiều đêm VNQC của các đội TTLĐ huyện, thị, thành phố trong những ngày chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám 19-8, Quốc khánh 2-9...
Đến xem buổi biểu diễn văn nghệ do đội TTLĐ tỉnh tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh vào tối 18-8; chương trình kéo dài hơn 60 phút, với chủ đề “Tổ quốc yêu thương”, gồm có 8 tiết mục hát múa và tiết mục kịch “Con ma ở suối đá”. Các tiết mục đã được chuẩn bị công phu, từ khâu lựa chọn bài hát đến sân khấu. Thế nhưng, lượng khán giả đến xem quá ít làm cho những người tâm huyết với nghề biểu diễn “buồn”! Lâu lâu, không khí trong sân đỡ tẻ nhạt khi có một vài bạn trẻ khấy động bằng những tràng pháo tay. Cũng trong tối 18-8, trước trụ sở UBND phường Phú Cường, Đội TTLĐ TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng với 11 tiết mục hát, múa. Dù ở địa điểm biểu diễn tốt, nhưng lượng người dừng chân thưởng thức âm nhạc không nhiều. Ai ai cũng hối hả vào chợ mua sắm mà quên rằng đang có chương trình văn nghệ đặc sắc.
Anh Vinh Ngọc, cán bộ Trung tâm VH-TT TP.TDM nói: “Chúng tôi buồn và cảm thấy lo lắng vì các chương trình văn hóa nghệ thuật dành cho quần chúng đang dần bị khán giả ít quan tâm. Khán giả đến với những đêm VNQC càng ngày càng ít. Người làm công tác tuyên truyền thì luôn cố gắng diễn hết mình, chuẩn bị chương trình chu đáo... nhưng không có khán giả cổ vũ tinh thần các anh em cũng có phần giảm sút”.
Rời phường Phú Cường, tôi đến với đêm VNQC các huyện, thị vào những ngày sau đó, thực tế tại đây cũng không mấy khả quan. Anh Trần Văn Em (phường Đông Hòa, TX.Dĩ An) tâm sự: “Tôi thấy những đêm nhạc do đội TTLĐ của Trung tâm VHTT-TT TX.Dĩ An tổ chức rất hay. Đến với đêm diễn, tôi hiểu thêm nhiều điều về đất nước, con người Việt Nam, từ đó càng thấy yêu thêm đất nước mình qua các ca khúc cách mạng hào hùng, những vở kịch đậm chất nhân văn. Tuy nhiên, theo tôi để người dân tích cực hưởng ứng những đêm nhạc này, các địa phương cần phổ biến trên loa, đài phát thanh ngày, giờ diễn ra đêm văn nghệ để người dân sắp xếp thời gian đến xem”.
Có thể nói, đã có một thời văn hóa, nghệ thuật quần chúng hoạt động rầm rộ tại khắp nơi trên địa bàn tỉnh, tạo nên những “luồng gió mát” về văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của đông đảo người dân, đặc biệt là đối với bà con các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa. Qua các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn còn là một kênh thông tin tuyên truyền, phục vụ nhu cầu cổ động chính trị. Không chỉ thế, thông qua những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tôn vinh những danh nhân, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc… các liên hoan, hội diễn cũng đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam, ca ngợi vẻ đẹp và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, khi sự phát triển của nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa, giải trí hiện đại ra đời, cộng thêm tình hình kinh tế có nhiều khó khăn... hoạt động của văn hóa, nghệ thuật cơ sở ngày càng bị thu hẹp dần.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng VH-TT TX.Dĩ An Đào Minh Thành, cho biết: Để thu hút người xem đến với VNQC, điều đầu tiên sân khấu cần phải được đầu tư kỹ, có những tiết mục hay đặc sắc. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư vào hoạt động văn hóa còn nhỏ giọt, cơ sở vật chất thiếu thốn đã khiến hạn chế phần nào sự quan tâm của người xem. Ngoài ra, các doanh nghiệp đặt nặng mục tiêu kinh doanh, ít đầu tư cho phong trào văn nghệ, từ đó đã vô tình xóa dần sân chơi ca hát của người lao động. Hơn nữa, các chương trình được đầu tư dàn dựng sau khi tham gia các liên hoan, hội diễn thường bị “xếp xó”, không được đưa đi lưu diễn phục vụ bà con trên địa bàn khu dân cư, vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, để VNQC tiếp tục là sân chơi giải trí của mọi người cần phải có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, lãnh đạo các cấp, các ngành... hỗ trợ tốt hoạt động các đội nhóm, CLB, từ đó mới duy trì và phát huy được nội lực, khơi dậy phong trào văn hóa cơ sở.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh cho biết, một năm đoàn được tỉnh giao tổ chức hơn 120 buổi văn nghệ phục vụ nhân dân tại 7 huyện, thị, thành phố. Nhiều địa điểm đoàn đến người dân chào đón rất nhiệt tình, tuy nhiên cũng có nhiều điểm vắng khán giả. Đó thực sự không phải hoàn toàn do sự thờ ơ của người dân với những đêm VNQC mà do các đơn vị tổ chức chưa chọn đúng địa điểm phục vụ. Đối với đoàn ca múa nhạc nhằm thu hút khán giả tới xem biểu diễn, đoàn đã làm công văn đề nghị phòng văn hóa các huyện, thị, thành phố khảo sát lại các địa điểm tổ chức thuận tiện. Ngoài ra, đoàn còn liên tục thay đổi các chương trình, sắp xếp các vở diễn để người xem không cảm thấy “màn cũ xem lại”.
HẠNH CHIẾU