| 10-01-2011 | 00:00:00

Về đất anh hùng nghe chuyện nữ anh hùng!

Xã Tương Bình Hiệp (TX.TDM) kiêu hùng trong mưa bom, bão đạn chiến tranh sản sinh ra lớp lớp chiến sĩ cách mạng cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Về Tương Bình Hiệp bây giờ được nghe câu chuyện về liệt sĩ Bùi Ngọc Thu, một trong số những anh hùng đặc biệt nhất của vùng đất này.

12 tuổi cầm súng, 16 tuổi hy sinh

 Ở xã Tương Bình Hiệp bây giờ rất nhiều người còn nhớ như in về hình ảnh cô giao liên bé nhỏ Bùi Ngọc Thu. Người được xem là có ấn tượng sâu sắc nhất với các thế hệ trước và sau chiến tranh của xã Tương Bình Hiệp. Bùi Ngọc Thu sinh năm 1950 trong một gia đình rất đông anh em ở ấp 3, xã Tương Bình Hiệp. Do có cha mẹ làm cách mạng nên Bùi Ngọc Thu giác ngộ từ rất sớm. Mới 12 tuổi chị đã được cấp trên dẫn dắt vào lớp quân báo để mở rộng liên lạc. Thu hoạt động có hiệu quả và đã góp phần quan trọng, cung cấp tin tức về tình hình địch cho tổ chức Đảng.

Học xong lớp đệ thấp (lớp 6) trường An Mỹ, Thu tiếp tục được theo cha mẹ xuống tận Sài Gòn học lớp đệ lục nhưng làm công tác thông tin liên lạc cho một cơ sở thành, ít lâu thì chị trốn gia đình thoát ly về lại Tương Bình Hiệp rồi trực tiếp tham gia mật khu Hố Trầu. Những năm 1963-1966 là thời kỳ Tương Bình Hiệp từ vùng du kích chuyển động bất lợi thành vùng “da beo” nên lúc bấy giờ đồng chí Huỳnh Văn Tấn (Bí thư Chi bộ xã Tương Bình Hiệp bấy giờ) nhận chỉ thị của cấp ủy huyện Châu Thành phải tổ chức quân báo mật. Ngay lập tức, 6 đoàn viên thanh niên xuất sắc nhất cùng Bùi Ngọc Thu nhận lệnh tham dự lớp quân báo ngắn hạn rồi về xây dựng các cơ sở. Địa bàn mở rộng lúc ấy gồm có các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Lợi, Phú Chánh, Phú Mỹ, Định Hòa, Tương Bình Hiệp... đến vùng căn cứ Trung An (Củ Chi, TP.HCM).

Cô Lê Thị Hoài Giúp, nguyên là cán bộ giao liên cùng tổ với Bùi Ngọc Thu bấy giờ kể lại: “Thu là người nhỏ nhất đội nhưng rất thông minh và gan dạ. Thu đi qua nhiều đồn bót địch nhờ có nhiều sáng tạo trong việc đánh lừa địch. Thu thường hay cải nam trang, lúc lại giả trẻ con, người bắt cá... để che mắt quân địch”. Chính nhờ những phẩm chất và bản lĩnh ấy mà Bùi Ngọc Thu liên tục làm tròn nhiệm vụ được giao và trở thành mục tiêu số 1 của địch.

  Anh Trần Văn Tốt (trái) nhiều năm âm thầm sưu tầm  tài liệu để hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét tặng anh hiệu anh hùng LLVT nhân dân cho chị Bùi Ngọc Thu

Năm 1966, tại xã Tương Bình Hiệp ở 4 ấp dân cư và căn cứ mật đạo Hố Trầu đều bị Mỹ Ngụy dùng mọi biện pháp để tàn phá. Quân chủ lực Sư đoàn 5 cho dân vệ đi kiểm soát đồng bào trong ấp chiến lược và chúng hạ lệnh ai bắt hoặc giết Bùi Ngọc Thu đều được thưởng 500.000 đồng tiền thời ấy. Đến ngày 26-10-1966, khi giả làm một người buôn bán mang theo 3 quả lựu đạn xuất phát từ mật khu Hố Trầu đi qua ngã tư Cây Điệp để giao mật lệnh, Bùi Ngọc Thu bị lọt vào ổ phục kích. Bùi Ngọc Thu khi ấy đã bình tĩnh nuốt tài liệu mật rồi quăng cả 3 quả lựu đạn vào đội hình địch trước lời kêu gọi đầu hàng. Sau khi Bùi Ngọc Thu hy sinh, địch kéo xác chị về bêu ở xã, đến chiều nhân dân lén ra cướp xác rồi mang về an táng bí mật.

45 năm chưa được xướng tên anh hùng!

Tấm gương hy sinh của Bùi Ngọc Thu ở Tương Bình Hiệp người ta đã nghe nhiều, biết nhiều. Thậm chí ở xã này giờ còn có con đường mang tên chị dài 3km từ ngã 3 chợ Cũ (đối diện UBND xã) đến ngã 3 Bưng Cầu. Đó là nỗ lực vận động của ông Lê Văn Kiếm, nguyên cán bộ Thị đoàn TDM cùng nhân dân xã Tương Bình Hiệp thời điểm đất nước vừa hoàn toàn giải phóng. Sau đó, ông Kiếm cũng vận động những cán bộ đoàn viên thanh niên của xã tiếp  tục sưu tầm tài liệu, viết lại tấm gương hy sinh và khí phách anh hùng của liệt sĩ Bùi Ngọc Thu. Tuy nhiên, do những hạn chế chủ quan lẫn khách quan nên không thể nào hoàn thiện đầy đủ. “Đây là một điều đáng tiếc đối với nhân dân địa phương và các thế hệ đoàn viên thanh niên xã Tương Bình Hiệp nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung. Gương hy sinh của địa phương rất nhiều nhưng hy sinh ở tuổi 16 với 4 tuổi quân như chị Thu là một khí phách anh hùng hiếm có, rất đặc biệt để các thế hệ trẻ học tập và noi gương” - ông Kiếm tâm sự.

  Tên chị Bùi Ngọc Thu được đặt thành tên của một con đường huyết mạch ở xã Tương Bình Hiệp

Thực ra thì các cấp lãnh đạo xã Tương Bình Hiệp cũng đã rất quan tâm đến trường hợp liệt sĩ Bùi Ngọc Thu và có nhiều văn bản kiến nghị cấp trên xem xét nhưng do nhiều lý do khác nhau mà hồ sơ vẫn không hoàn tất. Đến cuối năm 2009, khi nhận được công văn đề nghị tuyên dương các tấm gương anh hùng LLVT nhân dân và văn bản hướng dẫn thủ tục hồ sơ, xã đã cắt cử đồng chí Trần Văn Tốt, nguyên cán bộ Đoàn TX.TDM hoàn tất hồ sơ, tài liệu để xét duyệt. Mọi thủ tục khi ấy đều cho thấy liệt sĩ Bùi Ngọc Thu hội đủ mọi điều kiện để được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân nhưng lại không được phong tặng vì một lý do hết sức vô lý: Thời điểm xã Tương Bình Hiệp nhận công văn của cấp trên cũng là thời gian hết hạn nộp hồ sơ cho Trung ương, chiếu theo công văn.

Đây quả là một sự cố đáng tiếc cho cá nhân liệt sĩ Bùi Ngọc Thu và nhân dân xã Tương Bình Hiệp. Với những đóng góp to lớn trong chiến tranh, xã Tương Bình Hiệp được Nhà nước phong tặng danh hiệu xã Anh hùng LLVT nhân dân vào năm 2000. Được biết, hiện nay xã Tương Bình Hiệp đã bắt đầu từ rất sớm việc xét duyệt lại hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của chị Bùi Ngọc Thu. Nhưng cũng được biết đó chỉ là “vòng sơ loại” đầu tiên. Sau đó còn rất nhiều cấp ở địa phương rồi đến quân khu và cuối cùng mới đến vòng Trung ương. Hoàn tất hết các công đoạn ấy thì cũng mất đến hơn 1 năm dài đằng đẵng và còn phải... chờ Trung ương mở đợt xét duyệt.

Về Tương Bình Hiệp những ngày cuối năm, nghe chuyện về khí phách anh hùng của liệt sĩ Bùi Ngọc Thu và mong đợi, hy vọng sự nhiệt tình từ nhiều phía có liên quan để tấm gương hy sinh ấy được ghi công xứng đáng. Quan trọng hơn, các thế hệ trẻ sẽ có thêm một tấm gương để học tập và noi theo trong thời kỳ hòa bình và phát triển.

Tính đến năm 2009, tỉnh Bình Dương có 69 tập thể, 36 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong đó, cá nhân quê Bình Dương có 29 đồng chí, quê nơi khác có 7 đồng chí. Năm 2000, xã Tương Bình Hiệp được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

LÝ KHÁNH VINH

Chia sẻ