| 08-12-2020 | 09:24:58

Về Lái Thiêu thăm “Ngọc Ánh Farm”

Hiện nay, việc trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP với chi phí sản xuất không quá cao đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến và bà Bùi Ngọc Ánh (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An), sản phẩm rau không chỉ sạch mà phải an toàn tuyệt đối khi được vào bữa ăn, nhất là các bữa ăn cho học sinh trong nhà trường. Chính vì thế, họ đã quyết tâm đầu tư vườn rau sạch đạt chuẩn chất lượng quốc tế Global GAP tại địa phương để phục vụ thị trường một cách tốt nhất.


Ông Tiến, bà Ánh đi thăm vườn rau của mình

Vườn rau Global GAP

Đến thăm Nông trại Ngọc Ánh “Ngọc Ánh Farm” tại đường Bình Nhâm 83, phường Bình Nhâm, TP.Thuận An của ông Nguyễn Văn Tiến và bà Bùi Ngọc Ánh, chúng tôi cảm thấy như được “mở rộng tầm mắt”, mãn nhãn với vườn rau xanh mướt tươi tốt và sạch sẽ, đặc biệt là những thiết bị hiện đại được áp dụng vào sản xuất rau sạch. Hiện nay, tại đây trồng nhiều loại rau ăn lá như rau dền, rau muống, cải ngọt, mồng tơi, cải thìa, tần ô… Ông Tiến nói: “Rau này rửa qua một nước là có thể ăn ngay vì nó siêu sạch”.

Bà Ánh cho biết, năm 2019 nông trại của gia đình đạt chứng nhận Global GAP. Ngọc Ánh Farm là một trong 9 nông trại trên cả nước đạt chứng nhận và là nông trại duy nhất ở Bình Dương đạt chứng nhận này, đặc biệt còn là phiên bản mới nhất 5.2. Giải thích thêm về các phiên bản, bà Ánh nói: “Mỗi phiên bản được nâng cấp tương ứng nông trại của mình phải đáp ứng một số điều kiện để hoàn thiện về các mặt được yêu cầu”.

Được biết, GlobalGAP có 252 tiêu chuẩn, bao gồm 36 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 tiêu chí có thể tuân thủ đến mức 95% và có 89 kiến nghị khuyến cáo nên thực hiện. Để ví dụ cho các tiêu chuẩn, tiêu chí này, bà Ánh, ông Tiến dẫn chúng tôi tham quan vòng quanh nông trại một vòng rồi giới thiệu: Để được vườn rau sạch đạt chuẩn chất lượng quốc tế Global GAP phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu lắm, phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Rau sạch đạt tiêu chuẩn cần bảo đảm được nguồn gốc, xuất xứ cũng như độ an toàn. Những sản phẩm đó phải thân thiện với môi trường. Ngoài sản phẩm thì điều kiện làm việc, sức khỏe của người lao động phải được bảo đảm an toàn, cần phải đạt chất lượng về kỹ thuật… Chẳng hạn như tất cả rau phải trồng trong nhà kín để phòng tránh côn trùng và không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng. Sàn phải được đổ bê tông; hạt giống, giá thể, dinh dưỡng cho rau… đều phải nhập khẩu; nguồn nước sử dụng phải thông qua kiểm định. Hiện tại nguồn nước tại Nông trại Ngọc Ánh được sử dụng từ nguồn nước của Chi cục Thủy lợi và dinh dưỡng cho rau được hòa trong nguồn nước này, từ khi gieo hạt đến khi cây rau bén rễ sẽ hút chất dinh dưỡng từ nước để phát triển. Đặc biệt, vườn rau cũng phải áp dụng những máy móc, thiết bị hiện đại nhất.


Ông Tiến giới thiệu máy gieo hạt hiện đại được sử dụng tại nông trại

Tiếp đó, ông Tiến giới thiệu cho chúng tôi về máy gieo hạt hiện đại tại nông trại của mình. Với chiếc máy này, chỉ cần cung cấp khay, hạt giống, giá thể... rồi bật công tắc cho máy hoạt động là máy có thể làm việc thoăn thoắt, tỷ lệ chính xác cao, năng suất làm việc cao gấp nhiều lần làm thủ công. Tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất rau sạch mới có thể thấy với việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp hiện nay đã giúp người nông dân tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, chi phí nhân công. Do các khâu đa phần đều được tự động hóa cho nên với vườn rau hơn 2.000m2, nông trại này chỉ cần khoảng 4 nhân công thu hoạch rau mỗi ngày.

“Cái tâm luôn đặt lên hàng đầu”

Khi chúng tôi hỏi về chi phí để thực hiện nông trại đạt chuẩn quốc tế, ông Tiến, bà Ánh xin phép không tiết lộ, chỉ biết là con số khá lớn đối với người nông dân hiện nay. Bà Ánh tâm sự: “Thật ra số tiền đầu tư lớn, việc lấy lại vốn là câu chuyện xa vời lắm. Khi bắt đầu làm, chúng tôi biết như thế nhưng vẫn quyết định làm chỉ đơn giản đó là cái tâm trong nghề…”. Lý giải về điều này, bà Ánh cho biết thêm: “Công việc chính của gia đình hiện tại không chỉ trồng rau mà là cung cấp thức ăn, lương thực, thực phẩm cho các trường học. Qua 20 năm làm nghề này, vợ chồng tôi luôn trăn trở làm sao phải đưa sản phẩm chất lượng, những bữa ăn không chỉ ngon mà còn phải thật sự an toàn đến với các em học sinh. Tất cả là vì tương lai của chính con em chúng ta. Nếu 5 năm, 10 năm hay 20 năm sau chúng cứ ăn phải thực phẩm không an toàn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Chúng ta phải nghĩ đến sức khỏe, tương lai của các em vì đó mầm non tương lai của đất nước… Vì thế, vợ chồng tôi quyết định đầu tư vườn rau đạt chuẩn chất lượng quốc tế để giúp bữa ăn các em thật an toàn”.

Có lẽ chính vì chữ tâm luôn đặt lên hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh cộng với tài năng, bản lĩnh là chìa khóa giúp ông Tiến và bà Ánh đạt được thành công của ngày nay. Quay ngược thời gian trở về hơn 30 năm trước, bà Ánh kể về con đường lập nghiệp của mình. Ngày trước, bà theo nghiệp kinh doanh, buôn bán của gia đình. Năm 1989, bà buôn bán thịt ở chợ, ông Tiến thì nuôi gà. Hai bên gặp nhau nên duyên vợ chồng. Những năm 2000, dịch cúm gà xuất hiện, vợ chồng ông bà thôi không buôn bán gà ở chợ nữa mà bắt đầu nhận bỏ mối hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho các trường học trên địa bàn. Có lẽ nhờ làm ăn uy tín, chất lượng từ một vài trường đến nay công ty của ông bà đã cung cấp sản phẩm cho khoảng 30 trường học trên địa bàn TP.Thuận An và 4 trường ở huyện Dầu Tiếng. Số lượng nhân viên ban đầu chỉ vài người nay lên đến cả trăm người…

Tuy đã là ông bà chủ một doanh nghiệp làm ăn khấm khá nhưng ở ông Tiến, bà Ánh luôn toát ra vẻ giản dị, chân chất của một nông dân chính hiệu. Hàng ngày, ông Tiến trực tiếp vào thu hoạch rau, bà Ánh hầu như làm việc ngày đêm để lên đơn hàng, phân bổ, sắp xếp hàng hóa cho các trường. Dù bận rộn là thế nhưng gia đình ông không bỏ sót công tác xã hội nào ở địa phương. Hiện nay, ông, bà tham gia rất nhiều các tổ chức đoàn thể tại địa phương như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ... Hàng năm, gia đình thường dành chút tấm lòng chia sẻ đến những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn qua quỹ khuyến học, hay đóng góp, hỗ trợ cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…

 NGỌC NHƯ

Chia sẻ