| 27-08-2011 | 00:00:00

Về miền ký ức...

Chiến tranh đã đi qua được gần 40 năm, kinh tế lụi tàn rồi lại hồi sinh, đau thương rồi cũng vơi dần theo năm tháng. Nhưng với những người lính thuộc chiến khu Đ năm nào, nỗi nhớ vẫn còn đó, luôn văng vẳng giữa đêm khuya. Cái sự khó khăn, đau thương kia có chèn ép được đâu tinh thần bất khuất của người đi làm cách mạng!

  Ông Năm Nhẫn đăm chiêu lần giở những dòng nhật ký về chiến khu Đ

Đứng giữa đất Tân Uyên, lòng tôi không khỏi bồi hồi khi nghe những người trong cuộc kể chuyện. Sự gian khó, mất mát, đau thương cũng đã dần vào quên lãng. Chỉ còn lại nơi đây, những chứng tích oai hùng khơi dòng lịch sử.

Huyền thoại một chiến khu...

Được sự giới thiệu của Ban Tuyên giáo tỉnh, chúng tôi tìm và gặp được những cựu chiến binh thuộc chiến khu Đ ngày ấy. Họ là những người đầu tiên tham gia vào công cuộc chuẩn bị, xây dựng và chiến đấu tại vùng đất thép này. Tại gian nhà cũ ở Định Hòa (TX.TDM) của ông Nguyễn Văn Hữu - bí danh Một Hữu, những câu chuyện về chiến khu Đ ngày nào đã trở về một cách nguyên vẹn. Với một cụ già ở độ tuổi gần 90, những câu chuyện không đi theo dòng thời gian của trí nhớ, chúng tuôn trào theo những dòng hồi ức. Bằng cách đó, ông Hữu đã đưa chúng tôi về vùng đất thép.

Ông Hữu kể, trước năm 1944, khi ông và một số thanh niên khác đang học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở Tây Ninh, ông Nguyễn Đức Thuận, lúc đó là Phó Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, đã về thăm và có buổi nói chuyện với các học viên. Trong buổi nói chuyện, ông Thuận kể những câu chuyện tù đày nhằm nâng cao tinh thần cách mạng cho các thanh niên đang theo học ở đây. Theo ông Hữu, ý tưởng thành lập chiến khu Đ đã được nhen nhóm từ khi đó.

Ngày 25-8-1945, sau khi tỉnh lỵ tỉnh Thủ Dầu Một được giải phóng, tướng Nguyễn Bình từ miền Bắc vào kết hợp với sự tham mưu của Xứ ủy Nam kỳ đã quyết định thành lập chiến khu Đ như một thành lũy để bảo vệ quân dân kháng chiến toàn miền Đông Nam bộ.

Thời gian đầu, khi mới thành lập, toàn bộ lương thực và nhưng nhu yếu phẩm của chiến khu đều do người dân ở các vùng lân cận cung cấp. Dần về sau, khi quân số ngày một đông lên, các cơ quan hành chính kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một cũng tập trung về đây hoạt động. Vấn đề lương thảo đã trở nên khó khăn. Với bản chất “tự lực tự cường” của bộ đội Cụ Hồ, các đội quân thuộc chiến khu Đ vừa cầm súng đánh giặc, vừa cầm cày, cuốc, phát hoang lấy đất làm ruộng vườn. Ông Nguyễn Văn Hữu kể lại: “Lúc đó, chi phí bỏ ra để khai hoang, gieo trồng mùa màng còn cao hơn cả việc đi thu mua lúa của bà con ở vùng lân cận. Nhưng phải làm để có cái ăn lâu dài mà đánh giặc”.

Cuối năm 1965, bộ chỉ huy chiến khu bắt đầu triển khai kế hoạch tăng gia sản xuất, lương thực, thực phẩm làm ra ban đầu chỉ đủ ăn. Những con trâu, bò đầu tiên được đưa về chiến khu. Năng suất lương thực làm ra ngày một nhiều, chiến sĩ ta từ lúc bữa đói, bữa no, nay được ăn no ngày 2 bữa. Ruộng ở chiến khu Đ được người dân trong vùng gọi nôm na là ruộng rừng. Cứ cách 200 - 300m thì có một thửa có diện tích từ 1 - 2 công. Nhìn từ ngoài vào, nếu không phải là người của chiến khu thì chẳng ai biết đâu là vùng đất canh tác, trồng trọt, đâu là đất rừng.

Dư bom đạn, giặc thực hiện càn quét cả ngày lẫn đêm. Nhiều lần, ruộng vườn cháy sém, trơ trụi hết. Trâu bò nghe tiếng bom đạn dội xuống sợ quá chạy tán loạn bị trực thăng càn chết sạch. Điều đó chỉ làm cho tinh thần của quân dân ta thêm hăng hái. Ruộng hư mảnh này đào mảnh khác, cây chết lại trồng. Cứ như thế, chiến khu Đ đã lớn lên trong sự oanh tạc hàng ngày của kẻ địch.

Ông Nguyễn Văn Nhẫn (tự Năm Nhẫn) lúc đó là cán bộ hành chính thuộc tỉnh Thủ Dầu Một có một thời gian dài sống và hoạt động tại chiến khu Đ nay đã ở độ tuổi ngoài 80, kể lại: “Mỗi khối cơ quan đoàn thể đều phải cử ra một nhóm sản xuất, tăng gia. Ở chiến khu Đ, chẳng có chuyện người nào việc nấy. Tùy thời điểm, mà người cầm súng cũng cầm bút, cầm cuốc...”.

Thành đồng và những chiến công...

Ngay từ những ngày mới thành lập, chiến khu Đ đã phải chống chịu nhiều cuộc càn quét, oanh tạc của địch. Theo lời kể của những người lính nằm vùng chiến khu Đ ngày đó, lính đánh thuê cho Pháp, phần nhiều là binh sĩ của các nước Bắc Phi ngày đó đã cố gắng thọc sâu, bẻ gãy cái “lưng sống” của kháng chiến miền Nam. Miền đất thép ấy nhỏ bé, hoang vu là thế nhưng nó đã bao bọc, che chở cho cuộc chiến đấu oai hùng của miền Đông gần 30 năm trời. Địch đến rồi đi bao lần nhưng thành đồng vẫn không hề lung chuyển. Giọng kể chuyện của người lính năm xưa như cuốn chúng tôi đi vào những làn lửa đạn...

Đối sách của quân dân chiến khu Đ với những cuộc càn quét của địch hết sức linh hoạt, tùy phương pháp và quy mô càn quét của địch mà đánh. Phần nhiều, trong những cuộc càn quét vào khu căn cứ đều bị bẻ gãy từ xa. Bức tường bảo vệ chiến khu được chia làm 3 lớp: ngoài cùng được vũ trang các loại súng bắn tỉa nhằm tiêu hao sinh lực địch; ở giữa từng được gọi là “đội quân vô hình” chủ yếu là những lỗ châu mai (bộ đội ta hay gọi nôm na là ụ chiến đấu); gần trung tâm căn cứ là nơi tập trung bộ đội chủ lực luôn sẵn sàng trong tư thế chiến đấu.

Trong suốt 30 năm càn quét, dù là Pháp hay Mỹ - Ngụy, đối với chúng vòng giữa luôn là “màn” khó khăn và mất mát nhiều nhất. Chờ khi đại quân của địch đã đi sâu vào tầm ngắm, bộ đội ta từ các ụ chiến đấu đồng loạt xả súng ra. Kẻ địch hoảng loạn, cuống cuồng, người chạy tới, kẻ chạy lui, đạp lên nhau mà chết. Những tên còn lại, cũng dính trái (mìn) hoặc sập bẫy chông mà tử nạn. Cũng theo ông Nhẫn, trong suốt thời kỳ chống Mỹ, trận đánh lớn nhất trong địa bàn chiến khu Đ là trận Suối Cái, gần khu vực ngã ba Bà Sầm. Tại đây, bộ đội ta đã trực diện chống trả và bẻ gãy cuộc càn quét của địch trên địa bàn xã Mỹ Lộc, Tân Tịch và Thường Lang.

Trong những lần sau đó, địch ráo riết tận dụng triệt để chính sách “trực thăng vận” kết hợp “thiết sa vận” để đánh vào đầu não của chiến khu. Được sự yểm trợ đắc lực của máy bay, xe tăng và bộ binh địch đã nhiều lần mạnh dạn càn quét sâu vào sát trung tâm chiến khu. Bằng ý chí sắt thép cộng thêm sự chuẩn bị từ trước, quân ta đã nhiều lần bẻ gãy các mũi giáp công, đánh tan tác nhiều chiến dịch càn quét của địch.

Đối với quan quân Mỹ - Ngụy, chiến khu Đ luôn là nỗi sợ hãi. Những người được cử đi đánh trận, càn quét ở chiến khu Đ còn sống sót đồn đại nhau: “Chiến khu Đ, lính đi mất mạng, quan về mất lon” (lon ở đây nghĩa là tước hàm, chức quan). Những ngày cận kề giải phóng miền Nam, chiến khu Đ càng khẳng định vai trò thành đồng của mình. Trong suốt 4 ngày 26, 27, 28 và 29-4-1975, tại đất Vĩnh Tân đã xảy ra trên dưới hàng trăm cuộc đối đầu giữa bộ đội ta và quân Mỹ - Ngụy. Đúng như tính toán “Chiến khu Đ còn, thì Sài Gòn mất”, sau 4 ngày ra sức càn quét, đánh phá bức thành đồng thất bại. Ngày 30- 4-1975, chính quyền Sài Gòn bó tay quy hàng.

Qua 30 năm kháng chiến, để giữ vững bức thành đồng, gần 4.000 đồng đội của ông Nguyễn Văn Hữu (thuộc Tỉnh đội Thủ Dầu Một lúc đó) và nhiều chiến sĩ khác đã phải đổ xương máu. Ông Nguyễn Văn Hữu (Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Dầu Một thời gian 1964 đến 1966) cho biết: “So với thời điểm cao nhất là hơn 4.000 quân, kết thúc chiến tranh, chúng tôi chỉ còn 72 người”.

Đối với đội quân đánh thuê, sau này, khi trở về nước đấu tranh giành chính quyền, những cựu binh sĩ trong đội RICe - Trung đoàn ứng chiến cơ động của Pháp (phần lớn là người của các nước châu Phi) từng tham chiến tại Việt Nam (trong đó, đội RICe tham chiến chủ yếu tại mặt trận Đông Nam bộ, đặc biệt là chiến khu Đ) tận dụng lợi thế tâm lý trong chiến tranh của binh lính Pháp. Mỗi trận đánh, trước khi xuất kích xung phong, họ thường hô vang “Ah! Chand Viet Nam!” (xung phong Việt Nam). Qua những phong trào đấu tranh, rất nhiều nước thuộc châu Phi đã giành lại được độc lập từ tay của người Pháp. Điều này đủ thấy sức mạnh tâm lý mà chiến khu Đ mang lại cho những binh lính người nước ngoài lớn lao như thế nào.

 

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ