Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Men theo sông Đồng Nai lúc trời vừa hửng nắng, ngắm những vườn bưởi lúc sương còn đọng trên lá hay bắt gặp một nụ cười thân thiện của người cù lao, trong hương bưởi thơm nồng, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về một miền quê của Bình Dương còn giữ được nét xưa, một không gian sinh thái độc đáo.
Thiếu nữ Bạch Đằng bên gian hàng quảng bá ẩm thực đặc sản quê hương
Cù lao Bạch Đằng có diện tích hơn 1.000 ha và trên 6.000 dân sinh sống. Theo các cụ cao niên xứ này, nếu nhìn kỹ hình thể, Bạch Đằng giống như con cá chim đang bơi giữa biển. Sông ôm trọn cả bốn bề xứ cù lao và mang phù sa bồi đắp cho vùng đất này mỗi ngày thêm trù phú. Ngày trước, Cù lao Bạch Đằng còn được gọi là cù lao 6 làng, gồm: Bình Hưng, Tân Long, Điều Hòa, Tân Trạch, An Chữ, Bình Chữ. Địa danh xưa nay vẫn còn, chỉ thay tên làng thành ấp….
Còn nhớ, năm 2010, sự kiện khánh thành cây cầu nối với cù lao, bên cạnh niềm vui không còn cảnh đôi bờ cách trở thì đâu đó vẫn có nỗi lo rồi sự ồn ào, đô thị hóa sẽ làm mất đi một Bạch Đằng vốn yên ả, xanh mát. Nhưng không! Bạch Đằng vẫn còn đó với dáng vẻ hiền hòa bên những bãi bờ xanh mướt, dường như nép mình xa lạ với sự nhộn nhịp của phố xá. Và những ngày này trên khắp cù lao câu chuyện cây cầu 500 tỷ đồng nối liền Bạch Đằng và huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) được bà con phấn khởi chào đón. Rồi đây, nhịp cầu lại sẽ nối những bờ vui, đưa du khách về miền cù lao xanh mát, bỏ lại phí sau nỗi hồ nghi của ngày cũ khi các cấp chính quyền quyết gìn giữ một Bạch Đằng xanh bằng nỗ lực phát triển ngành công nghiệp không khói - du lịch sinh thái với việc quảng bá các sản vật địa phương.
Bạch Đằng mang đến cho Bình Dương một thương hiệu độc đáo nhưng cũng rất riêng, đó là bưởi. Bưởi Bạch Đằng không chỉ là kết tinh của đất trời, mà còn là người, là văn hóa. Người Bạch Đằng ai nấy tự hào với giống bưởi đặc sản quê hương. Sống với bưởi lâu đời, người dân Bạch Đằng tích lũy khá nhiều kiến thức liên quan đến loại cây này. Muốn có cây bưởi sai quả, trái ngọt, nhiều nước và sống lâu thì phải trồng trên đất có nhiều phù sa của sông Đồng Nai bồi đắp, có nguồn nước ngọt quanh năm và không được nhiễm phèn. Nhà nào trên đất cù lao này cũng trồng ít thì vài gốc bưởi sau vườn, nhiều thì đến vài ha bưởi, thế nhưng mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết món lễ vật tặng nhau vẫn là bưởi. Khi thì trái bưởi, chè bưởi, lúc thì rượu bưởi... Với bạn bè xa và chỗ thâm giao đó đây, bà con Bạch Đằng còn gửi biếu bưởi, nhất là dịp tết, để thắt chặt tình thâm, làm cho hương bưởi lan xa hơn qua cách bày tỏ tình cảm con người với nhau.
Bưởi Bạch Đằng trước giờ nổi tiếng ngon, nay giống bưởi đường lá cam là phổ biến nhất. Cây bưởi trồng khoảng 4 năm thì cho trái, cây tốt và khỏe cho hơn 200 trái mỗi vụ, tuổi của cây từ 20 - 25 năm. Không ai bảo ai nhưng từ lâu người dân Bạch Đằng đều tâm huyết với nhau về câu chuyện trồng bưởi sạch. Suy cũng là lẽ thường tình khi bà con tận dụng tất cả những thành phần của trái bưởi để sử dụng. Vỏ bưởi dùng để ung muỗi, phơi khô nấu nước uống chữa bệnh mỡ máu, tiểu đường, hay gần đây hơn đó là nguyên liệu quý để làm mứt bưởi, chưng cất làm tinh dầu. Đến Bạch Đằng, chúng ta không khỏi bất ngờ khi cắt bưởi đãi khách người dân thu vỏ gói ghém cẩn thận.
Người dân ở đây cũng dùng bưởi để chế biến nhiều món ăn đặc trưng riêng và đến nay vẫn truyền đến đời con cháu. Đầu tiên là món gỏi bưởi được làm bằng ruột bưởi trộn với đu đủ, đậu phộng, rau răm, thịt… và không thể không thiếu được con tôm càng xanh bắt được trên sông Đồng Nai. Người ta còn tận dụng phần trung bì của vỏ để nấu món chè bưởi đậm đà. Vào mùa bưởi chín, tận dụng những trái bưởi nhỏ, không đẹp mắt, các nhà vườn còn chế biến rượu bưởi. Rượu có màu vàng cánh gián, rất thơm và ngọt, tốt cho tiêu hóa. Rượu bưởi dùng để các cụ nhấm nháp trong bữa ăn cho dễ tiêu, hay dùng để biếu và đãi bạn bè phương xa như là cơ hội cho du khách hiểu hơn về tấm lòng ngọt ngào của người dân xứ cù lao. Bưởi Bạch Đằng cho trái cả năm nhưng thường vào hai vụ chính là Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên đán. Nhưng với người dân Bạch Đằng trồng chuyên nghiệp hiện nay, mùa bưởi tết là quan trọng nhất. Giá bưởi ở thời điểm này cao gấp đôi bình thường. Và cũng nhờ vậy mà cuộc sống người trồng bưởi xứ cù lao ngày càng khá giả, sung túc.
Từ lâu lắm, Cù lao Bạch Đằng còn nổi tiếng là miền gái đẹp với vẻ hồn hậu, mặn mà của miền sông nước không lẫn vào đâu được. Con gái Bạch Đằng thường có mái tóc đen dài óng ả, làn da trắng mịn màng của vùng đất quanh năm tốt tươi, mát dịu. Vào những mùa bưởi trổ hoa nhiều, người con gái Bạch Đằng hái hoa nấu nước gội đầu cho tóc thêm mượt mà óng ả. Đi dọc cù lao men theo sông Đồng Nai lúc trời vừa hửng nắng, ngắm những vườn bưởi lúc sương còn đọng trên lá hay bắt gặp một nụ cười thân thiện của người cù lao, cảm nhận một làn gió mát nhẹ thoảng hương bưởi bay qua sẽ cho du khách những trải nghiệm thú vị về một miền quê của Bình Dương còn giữ được nét xưa, một không gian sinh thái độc đáo.
TIỂU MY