Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sưởi ấm lòng mẹ!
Mẹ Nguyễn Thị Xinh (khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một) tham gia kháng chiến từ những năm 1945. Chồng mẹ cũng tham gia kháng chiến. Rồi người con trai thứ 3 cũng đi theo con đường cách mạng. Hai lần nghe tin quân thù cướp đi mạng sống của chồng và con là hai lần mẹ nén chặt nỗi đau để tiếp tục chiến đấu, bởi Tổ quốc đang cần đến mẹ.
Nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2016), tỉnh sẽ tổ chức lễ phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 14 mẹ còn sống, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Xinh. Thế nhưng, vì tuổi cao sức yếu mẹ đã không chờ đợi được đến ngày vinh danh danh hiệu cao quý này. Ông Trần Hoàng Liêm (con thứ 6 của mẹ) bộc bạch, trước đây còn khỏe, mẹ làm việc cần mẫn để nuôi giấu cán bộ, hoạt động mật và chăm sóc các con thơ. Khi già yếu, những khi trái gió trở trời, cơ thể đau nhức nhưng mẹ không bao giờ than vãn. Mẹ hay nói: “Trong chiến tranh, những vết thương do bom đạn, do quân thù tra tấn nhưng mọi người vẫn vui, vẫn cười để rồi đứng lên tiếp tục đánh đuổi quân thù. Giờ mẹ đau bệnh thì có thấm vào đâu!”.
Ông Liêm bên di ảnh của mẹ Nguyễn Thị Xinh
Cũng theo lời ông Liêm, ngày được cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường Tương Bình Hiệp đến ghi nhận thông tin, lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ vui lắm. Ngày nào mẹ cũng hỏi thăm để mai đây có xuống suối vàng báo lại cho cha, anh các con vui. Thấy mẹ vui, cả nhà cũng cảm thấy hạnh phúc khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, tri ân những cống hiến, hy sinh của mẹ. Cũng từ đó, mẹ chịu khó ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ giấc để cải thiện sức khỏe, thế nhưng vẫn không thắng nổi bệnh tật. Mẹ đã mất vào tháng 4-2015.
Trở về với quá khứ, chúng tôi được nghe kể về mẹ, về 2 liệt sĩ đã hy sinh, trong đó có ông Trần Văn Bang (chồng mẹ) và anh Trần Văn Khuyên (con mẹ). Ông Bang hy sinh năm 1954 trong kháng chiến chống Pháp. Lúc này, ông đang là Trưởng phòng Giáo dục huyện Châu Thành (nay là TP.Thủ Dầu Một). Ông hy sinh trong lúc đi công tác và bị địch phục kích bắn chết. Biết chồng hy sinh nhưng mẹ không dám lên nhận diện vì sợ quân thù phát hiện nhà có người theo cách mạng sẽ bắt các con mẹ. Đêm đến, khi đồng đội đã chôn cất chồng, mẹ mới tìm đến phần mộ chồng một cách lén lút, vội vàng. Mẹ chỉ kịp để lại nải chuối, cái trứng, nén nhang để cúng chồng. Về sau, hài cốt của ông Bang được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Tinh thần yêu nước của cha đã “ngấm” sâu trong tâm hồn người thanh niên Trần Văn Khuyên (con thứ 3 của mẹ). Anh xin mẹ thoát ly vào cách mạng để tiếp tục con đường giải phóng dân tộc mà cha mình đang đi. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt đã cướp đi mạng sống của anh khi đang cùng đồng đội hỗ trợ chiến đấu tại Sài Gòn. Lúc này, gia đình nghe tin, anh hy sinh tại Phú Hòa Đông (Sài Gòn). Ông Liêm tâm sự, trước đây, khi đang còn hoạt động tại đơn vị C61, huyện Bến Cát (nay TX.Bến Cát), ông có lên thăm anh trai 2 lần. Trong đơn vị mọi người gọi anh Khuyên là “Bác sĩ”. Gặp em trai, anh luôn khuyên phải chăm ngoan, giúp mẹ làm việc nhà và chăm sóc các em. Anh hứa khi hòa bình sẽ về thăm mẹ, thăm các em, thế nhưng lời hứa đó đã không thành hiện thực.
Chồng, con hy sinh cho Tổ quốc, dù đau thương nhưng mẹ vẫn kiên cường cùng phụ nữ trong xóm làm kinh tế, tiếp tục nuôi giấu cán bộ. Nhiều lần phát hiện mẹ gánh lương thực đi tiếp tế, quân địch bắt nhốt. Trong tù, chúng bắt khai cán bộ nằm vùng nhưng mẹ không hé nửa lời. Sau đó, chúng đành thả mẹ về với gia đình. Không sợ trước họng súng quân thù, mẹ tiếp tục hoạt động mật và làm liên lạc. Mẹ còn động viên các con nhận nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho bộ đội, hay làm giao liên.
Kể xong câu chuyện, ông Liêm nhìn lên di ảnh của mẹ, rưng rưng nước mắt nói: “Mẹ thường hay nhắc nhở chúng tôi, mình là gia đình cách mạng, tiếp nối truyền thống của gia đình, các con, các cháu phải sống thật tốt để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Vâng lời mẹ, con cháu trong gia đình ai cũng nỗ lực học tập, làm việc. Giờ đây, có lẽ mẹ đang mỉm cười nơi chín suối vì thấy con cháu thành đạt, yêu thương lẫn nhau. Mẹ càng vui hơn khi đất nước ngày một phát triển, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp, mọi người được sống trong ấm no, hạnh phúc”.
T.LÝ