Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Tháng 7, mùa Vu lan là một trong những dịp lễ thiêng liêng của bà con theo đạo Phật. Những ngày này, tại các chùa đều tổ chức lễ Vu lan để những người con bày tỏ lòng hiếu thảo của mình…
Hạnh phúc khi được cài hoa hồng lên áo
Đi chùa mùa Vu lan đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Phật giáo. Những người con dù đang ở cùng ba mẹ, hay tha hương, những người con dù còn ba mẹ hay đấng sinh thành nay đã quá vãng đều nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục. Bày tỏ lòng hiếu thảo trong mùa Vu lan bằng nhiều việc làm ý nghĩa. Đến chùa, dâng vài cành hoa, cầu cho ba mẹ được mạnh khỏe, an vui là mong mỏi của những người con. Chị Văn Thị Thanh, nhà ở Củ Chi (TP.HCM) cùng mẹ đến chùa Hội Khánh, Phú Cường, TP.TDM từ tuần đầu tiên của tháng 7 âm lịch. Chị Thanh nói: “Tháng 7 năm nào tôi cũng dành vài ngày để đi chùa, thắp nhang lễ Phật và đóng góp chút công sức làm từ thiện. Tôi thường đưa mẹ đi theo và rất vui khi được những thầy, cô trụ trì tự viện cài cho mình bông hồng trên ngực áo. Điều đó nhắc nhở tôi luôn sống có hiếu vì tôi thật hạnh phúc khi vẫn còn có mẹ bên mình”.
Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bình Dương giải thích ý nghĩa của lễ Vu lan như sau: Câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ theo kinh Vu lan bồn, vì nghiệp báo sâu dày nên mẹ của Mục Kiền Liên bị đọa đày khổ đau nơi địa ngục, không có cách gì siêu thoát. Làm theo lời Đức Phật dạy, Mục Kiền Liên đợi đến ngày tự tứ (chư tăng sám hối), các chư tăng hội tụ đông đủ để làm lễ cúng dường. Theo Phật giáo, nhờ phước báu đó đã có thể hóa giải nghiệp duyên cho mẹ mình. Lễ tự tứ và Vu lan được Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương chọn tổ chức vào ngày 12-7 âm lịch hàng năm. Noi theo gương Mục Kiền Liên, khắp nơi những người con đã tụ họp, nương theo phước báu của các bậc tu hành đạo hạnh cầu mong cho đấng sinh thành được mọi điều tốt đẹp. Mùa Vu lan được kéo dài từ đầu đến hết tháng 7 âm lịch. Cũng theo TT.Huệ Thông, mùa Vu lan không nên chỉ nói về người mẹ mà hãy nhắc đến cả cha và mẹ mới trọn vẹn hiếu đạo làm con!
Làm từ thiện, cúng dường chư tăng, ni trong mùa Vu lan để tạo phước cho ba mẹ như một cách báo ân đức sinh thành cũng được nhiều người con thực hiện. Hầu hết các chùa trong dịp này đều có các nhóm Phật tử đến đảm trách phần việc nhận gạo của các Mạnh Thường Quân cúng dường rồi phân phát lại cho người nghèo. Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bình Dương, trụ trì chùa Hưng Long (Tân Uyên) cho biết, hàng năm Huyện hội Phật giáo Tân Uyên thường vận động các chùa tặng quà từ thiện, bình quân mỗi chùa chuẩn bị từ 50 - 100 phần quà để tặng cho bà con nghèo như: gạo, mì, dầu ăn, tiền mặt… nhằm giúp những trường hợp khó khăn bớt đi nhọc nhằn. Đây cũng là việc làm thể hiện tinh thần chia sẻ, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam. Không chỉ tết thanh minh mọi người mới có dịp để chăm sóc phần mộ cho người thân. Những ngày tháng 7 âm lịch này, tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều người đến thắp nhang, cúng kiếng và trồng thêm hoa, cỏ tại mộ phần người thân. Chị Nguyễn Thị Huyền, nhà ở phường Phú Lợi, TP.TDM, nói: “Cả nhà tôi thường dành một ngày nghỉ trong tháng 7 để cùng nhau đến nghĩa trang thăm viếng ba mình. Đây cũng là dịp con cháu tề tựu để bày tỏ lòng hiếu đạo với ba và ông bà nội, ngoại. Sau đó cả nhà sẽ đi chùa lễ Phật cùng mẹ tôi. Việc làm này cũng là truyền thống gia đình để dạy cho con cháu bổn phận, trách nhiệm với ba mẹ, ông bà khi còn sống cũng như khi đã mất”…
Hoa hồng và hoa trắng được cài lên ngực áo trong mùa hiếu hạnh này. Và, đó cũng là một việc giúp chúng ta nhớ về công ơn ba mẹ mình đã hy sinh và chịu thương chịu khó nuôi dưỡng từng đứa con nên người…
- Nhân mùa Vu lan báo hiếu, Phật tử chùa Hội Khánh và chùa Hội An (TP.TDM) đã quyên góp tặng hơn 200 phần quà gồm gạo, mì gói, tiền mặt… trị giá 350.000 đồng/phần cho bà con nghèo trong tỉnh. Ngoài ra, đoàn Phật tử chùa Hội Khánh còn tổ chức đoàn đi thăm, tặng 100 phần quà, trị giá 400.000 đồng/phần cho người mù ở các tỉnh miền Tây.
- Chùa Phước Hưng (Tân An, TP.TDM) và chùa Long Hưng (Bến Cát) vừa tổ chức tặng quà cho 100 người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Mỗi phần quà trị giá 300.000 đồng/phần.
- Nhân mùa Vu lan, Tỉnh hội Phật giáo phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh sẽ tổ chức trao tặng 200 xe đạp cho học sinh nghèo đến trường.
HƯƠNG CẦN
QUỲNH NHƯ