Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
LTS: “Miền Đông gian lao mà anh dũng” và Bình Dương là một vùng đất của “miền anh dũng” đó, luôn tự hào với những Phước Thành, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Chiến khu Đ, Tam giác sắt, Chiến khu Thuận An Hòa... và còn rất nhiều địa danh khác nữa. Với truyền thống “gian lao mà anh dũng”, từ Thủ Dầu Một, Sông Bé và rồi Bình Dương hôm nay, sau 44 năm non sông thống nhất, lại tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2019), Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Vùng đất của những chiến công và đổi mới”.
Bài 1: Từ “phát đạn vạch đường...”
Chiến thắng Phước Thành vang dội cách nay gần 58 năm đã được nhận định là “phát đạn vạch đường cho cách mạng miền Nam” phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Chiến thắng Phước Thành vẫn còn âm vang mãi đến hôm nay, là niềm tự hào của quân và dân huyện Phú Giáo nói riêng, Bình Dương nói chung trên con đường xây dựng địa phương phát triển.
Diện mạo đô thị mới tại thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo hôm nay. Ảnh: CAO SƠN
Cùng với quá trình đô thị hóa, lĩnh vực nông nghiệp tại Phú Giáo hôm nay đang phát triển theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh: CAO SƠN
Âm vang chiến thắng Phước Thành
Với âm mưu triệt phá Chiến khu Đ, ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh 143/NV thành lập tỉnh Phước Thành gồm 3 quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo. Trước âm mưu của địch, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông tiến hành điều nghiên và đề nghị Ban quân sự Miền và Khu ủy được mở trận tấn công vào tiểu khu quân sự và tỉnh lỵ Phước Thành nhằm phá tan ý đồ bao vây chia cắt Chiến khu Đ, đánh phủ đầu vào ý đồ bình định của địch. Mục tiêu của trận đánh là tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ tiểu khu, giải thoát tù chính trị.
Sau 3 tháng điều nghiên kỹ chiến trường ta quyết định mở trận tấn công. 20 giờ ngày 17-9- 1961, 3 mũi tiến công của ta tiềm nhập mục tiêu. Với lối đánh thần tốc, táo bạo, sau khoảng thời gian ngắn chiến đấu, ta cơ bản diệt toàn bộ lực lượng địch. Ta chiếm 2 khẩu pháo 105mm, 3 chiếc xe thiết giáp, diệt và bắt sống gần 800 tên, thu trên 700 súng các loại. Phát huy chiến thắng Phước Thành, những ngày sau các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh tiếp tục bao vây tất cả các tua bót dọc lộ 8, Hiếu Liêm, Tân Uyên, đường 14, 16. Các đơn vị bộ đội Quân khu tiếp tục giải phóng Phước Bình, uy hiếp dọc cả đường 20 đi Định Quán - Xuân Lộc.
Các tuyến đường lên Phước Long và các huyện nam Chiến khu Đ được giải phóng hầu hết. Căn cứ miền Đông của Quân khu 7 và sau này của cả Nam Trung bộ được mở rộng và hình thành vững chắc. Vào thời điểm cuối năm 1961, chiến thắng Phước Thành có ý nghĩa rất quan trọng về mặt quân sự và chính trị. Đây là lần đầu tiên ta đã đập tan một cứ điểm, một tiểu khu quân sự mạnh của địch ở miền Nam, phá thế bao vây, tiến công chia cắt, lấn chiếm Chiến khu Đ của địch. Việc đánh chiếm một tỉnh lỵ và đập tan bộ máy hành chính cấp tỉnh của địch đã giáng một đòn mạnh vào chương trình bình định của địch ở miền Đông, cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng toàn miền Nam. Chiến thắng Phước Thành còn đánh dấu một bước trưởng thành của chủ lực khu, bộ đội địa phương, du kích tỉnh Phước Thành và huyện Phú Giáo, tạo điều kiện phát triển lực lượng vũ trang và phong trào du kích ở địa phương. Chiến thắng Phước Thành là một trong những đòn phủ đầu đánh vào âm mưu chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
“Sợi chỉ đỏ” kết nối quá khứ và hiện tại
Chiến tranh đã lùi xa, 58 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Phước Thành vẫn còn âm vang, là niềm tự hào của quân và dân Phú Giáo nói riêng, Bình Dương nói chung. Tượng đài chiến thắng Phước Thành tại Phú Giáo vẫn sừng sững đứng đó để ghi nhớ chiến công bất khuất, đầy tự hào của quân và dân ta. Chiến thắng Phước Thành như “sợi chỉ đỏ” kết nối niềm tự hào giữa quá khứ và hiện tại của các thế hệ cán bộ, nhân dân Phú Giáo ra sức nỗ lực xây dựng địa phương phát triển. Truyền thống hào hùng, sự quyết tâm, năng động được kết hợp đã tạo nên động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo liên tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Phát huy giá trị truyền thống của chiến công Phước Thành năm xưa, Phú Giáo hôm nay đang phát triển mạnh mẽ và thay da, đổi thịt từng ngày. Màu xanh ngút ngàn của những vườn cao su, cây ăn trái, những khu nông nghiệp công nghệ cao đã dần xóa tan đi những vết tích chiến tranh ngày nào. Cùng với đó, những khu, cụm công nghiệp đang dần hình thành, tạo ra diện mạo mới năng động, phát triển mạnh mẽ của vùng đất với chiến công vang dội.
Đi trên những con đường nhựa uốn lượn qua những vườn cao su xanh mướt dẫn đến trung tâm các xã sẽ dễ dàng cảm nhận được sức vươn lên mạnh mẽ của vùng đất bom cày, đạn xới ngày nào. Trong thời gian qua, cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trên vùng đất này. Đến cuối năm 2018 huyện Phú Giáo đã có 10/10 xã được công nhận xã nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện hiện nay được đầu tư khá đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là mô hình kinh tế trang trại…
Tính đến cuối năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 3.991 tỷ đồng. Riêng giá trị thu từ nông, lâm nghiệp và thủy sản của các trang trại trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt hơn 1.526,5 tỷ đồng; giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt hơn 1.526,1 tỷ đồng. Cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt.
Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành được 100 trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất VietGAP đã được huyện đẩy mạnh thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Với sự vươn lên mạnh mẽ của huyện, đời sống của các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,2%.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết từ chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt kinh tế- xã hội của xã có sự thay đổi rõ rệt, trong đó có thể kể đến là mức sống của nhân dân. Đến cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50,5 triệu đồng; hộ nghèo giảm còn 0,49%. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước...
Tự hào với chiến thắng Phước Thành năm xưa, hiện nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Giáo đang tiếp tục nỗ lực ra sức thi đua thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện để xây dựng Phú Giáo ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. (Còn tiếp)
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN VĂN PHÊ, NGUYÊN CHỈ HUY TRƯỞNG BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ SÔNG BÉ, ĐẠI ĐỘI PHÓ ĐẠI ĐỘI 59, THUỘC TIỂU ĐOÀN 800 TẤN CÔNG TIỂU KHU PHƯỚC THÀNH: Chiến thắng Phước Thành đã làm nức lòng quân, dân miền Nam...
Qua chiến thắng Phước Thành đã làm nổi lên những bài học kinh nghiệm tác chiến quý báu. Trong đó, Quân khu, tiểu đoàn hạ quyết tâm chính xác; công tác Đảng, công tác chính trị giáo dục anh em chiến sĩ tinh thần chiến đấu dũng cảm, không ngại hy sinh để tiến công địch; dùng hình thức chiến thuật đặc công kết hợp bộ binh, bên trong phối hợp bên ngoài để tiêu diệt địch nhanh chóng. Sau khi đánh xong, về khu sân lễ Phước Thành, ta tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nhân dân trong vùng vào thăm, phấn khởi chúc mừng chiến công của ta, tay bắt mặt mừng động viên bộ đội, tình quân dân càng thêm sâu đậm. Cán bộ chiến sĩ C800 trên dưới đồng lòng, đoàn kết nhất trí sát cánh cùng nhau đánh đuổi quân thù giải phóng quê hương.
CAO SƠN