| 06-10-2023 | 08:31:47

Vượt khó, hướng đến mục tiêu tăng trưởng

Bình Dương nỗ lực triển khai những giải pháp điều hành nhằm đưa kinh tế vượt qua khó khăn để phục hồi và hướng đến mục tiêu tăng trưởng của năm 2023, trong đó ưu tiên tháo gỡ những nút thắt chính sách để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh (SXKD), giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng…

 Các DN ngành gỗ trong tỉnh quyết tâm giữ vững sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển

 Tháo gỡ khó khăn

9 tháng của năm 2023, kinh tế tỉnh nhà phải liên tục ứng phó với những “vùng xoáy” từ thế giới và trong nước. Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, lạm phát vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Tất cả kéo theo sự sụt giảm đơn hàng trong các doanh nghiệp (DN) của tỉnh. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, Bình Dương đã bám sát tình hình, triển khai chính sách kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ, bộ, ngành; đồng thời đẩy mạnh tính tự chủ, tăng cường hơn kỷ luật, kỷ cương. Kết quả, kinh tế 9 tháng của tỉnh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình 9 tháng năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. UBND tỉnh đã sớm dự báo, nhận định tình hình từ những tháng cuối năm 2022 để tập trung chỉ đạo, lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Kết quả, trong số 35 chỉ tiêu chủ yếu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đến nay đã có 19 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch và vượt kế hoạch năm. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, kinh tế - xã hội tỉnh từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 1,71%, quý II tăng 5,73%, quý III tăng 7,0% so với cùng kỳ. GRDP 9 tháng ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 7,2%). Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 4,2%; dịch vụ tăng 6,9%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,8%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 109.924 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tình hình đăng ký DN, thu hút đầu tư nước ngoài được duy trì ổn định. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tương đương cùng kỳ nhưng số vốn giải ngân cao hơn 5.500 tỷ đồng. Các công trình trọng điểm như đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Tuy nhiên, diễn biến bất lợi, khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD và các động lực tăng trưởng. 2 chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu giảm 13,2%, nhập khẩu giảm 14,8%). DN gặp nhiều khó khăn, người lao động bị ảnh hưởng việc làm. Dự báo trong 3 tháng còn lại năm 2023 vẫn còn khó khăn, thách thức. UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo và có giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành cao nhất có thể các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về đất đai, thủ tục cấp phép đầu tư, các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, SXKD, thương mại - dịch vụ…

Đối diện thực tế

Chỉ còn non 1 quý nữa để tỉnh nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của năm. Trong khi đó, DN chưa thể đẩy nhanh phục hồi SXKD, ngay cả khi cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu vẫn có thể gặp khó nếu các thị trường lớn trên thế giới rơi vào suy thoái. Các DN cũng đang nỗ lực điều hành đưa sản xuất phục hồi và hướng đến mục tiêu tăng trưởng của năm 2023.

“Chỉ còn 1 quý nữa để DN nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của năm, trong đó mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là giữ vững sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đây được xem là mục tiêu khó trong bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là nguy cơ lạm phát gia tăng vào cuối năm. Đến thời điểm này, DN chỉ có thể đạt hơn 50% doanh thu so với năm 2022 đã là thành công”, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh cho biết.

Theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Bình Dương 8,5% là thách thức rất lớn. Điểm sáng là nhu cầu tiêu dùng tương đối lạc quan với doanh số bán lẻ tiếp tục thể hiện tốt trong 9 tháng qua. Trong 3 tháng cuối năm, kinh tế dự kiến sẽ phục hồi nhanh và là cầu nối phát triển trong năm 2024, tuy nhiên để đạt mục tiêu là rất khó.

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh, cho rằng DN cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực để vượt khó. “Hiện vẫn còn nhiều DN khó tiếp cận vốn. Lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn cao, nên cần hỗ trợ lãi vay cụ thể cho từng nhóm DN. Đồng thời, cần có cơ quan độc lập đánh giá các hoạt động hỗ trợ DN để điều chỉnh chính sách một cách hiệu quả hơn. Các bộ, ngành, địa phương có cơ chế để DN trong nước tham gia vào các dự án đầu tư công, tạo thành mắc xích quan trọng để tránh lãng phí nguồn lực DN”, ông Trọng kiến nghị.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Với tinh thần trách nhiệm cao, UBND tỉnh và các sở, ngành luôn đồng hành, hỗ trợ DN trong hoạt động SXKD, “xem khó khăn của DN là khó khăn của chính quyền tỉnh, thành công của DN là thành công của tỉnh”. Bên cạnh việc triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách của Trung ương hỗ trợ cho DN, Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN và Tổ giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản thường xuyên lắng nghe các kiến nghị đề xuất, chủ động tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền. Đến nay, Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN tỉnh đã tổ chức 10 phiên họp để thảo luận, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, thị trường bất động sản, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ SXKD, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

 TIỂU MY - CẨM TÚ  

Chia sẻ