Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Thặng dư thương mại của Bình Dương năm 2022 đạt gần 10 tỷ USD. Hiện tại, sản phẩm, hàng hóa của Bình Dương đã xuất khẩu qua hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần khẳng định thương hiệu, uy tín của Bình Dương trên thị trường thế giới.
Ngành gỗ Bình Dương nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm đơn hàng xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Gỗ và cơ khí Nhật Nam (TX.Bến Cát)
Dự lường thách thức
Trong năm 2022, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Bình Dương, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 35,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2021, nhập khẩu đạt hơn 25,8 tỷ USD, tăng 1% so với năm trước. Không “ngủ quên” trên kết quả, các cấp, các ngành luôn sẵn sàng ứng phó trước khó khăn, dự lường những thách thức. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, tuy nhiên vẫn còn khó khăn nhất định, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào mặc dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, áp lực lạm phát gia tăng. Thị trường các nước Mỹ, EU có xu hướng cắt giảm chi tiêu, điều này ảnh hưởng đến tình hình ký kết đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, sáng tạo thực hiện các chỉ đạo mang tầm vĩ mô của Chính phủ, các bộ ngành, quyết liệt trong công tác điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
“Các ngành, địa phương cần tập trung theo dõi, bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách vốn vay ưu đãi, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, mạnh dạn chuyển đổi số, nhanh chóng ổn định lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu”, ông Võ Văn Minh chỉ đạo.
Để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định tỉnh đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bình Dương cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các địa phương nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Qua đó, thúc đẩy quảng bá, kết nối giao thương, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, tìm kiếm cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với đối tác trong thời gian tới.
“Góp gió thành bão”
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn. Các doanh nghiệp cần tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở tận dụng hiệu quả các lợi thế, nỗ lực để tìm kiếm thêm thị trường mới lâu nay còn bỏ ngỏ. Doanh nghiệp cần nắm vững lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới.
Hiện nay, việc tái cấu trúc doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với những thay đổi trong tình hình mới là vấn đề quan trọng. Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần May Quốc tế, cho biết: “Chúng tôi nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn hơn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý sản xuất. Về thị trường chúng tôi quyết định “đánh” vào phân khúc cao cấp để phục vụ nhu cầu của giới thượng lưu. Đối với những đơn hàng gia công, sẽ nhận những đơn hàng nhỏ, lẻ để “góp gió thành bão”. Tất cả những giải pháp đó đang thật sự phát huy được hiệu quả”.
Ông Hosen YouSof, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nỗ lực xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu; lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của doanh nghiệp; chú trọng tìm hiểu thị hiếu, xu hướng và đặc trưng thị trường thông qua các hội thảo, hội chợ - triển lãm quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Cùng với các thị trường truyền thống, doanh nghiệp cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức như Úc, Canada, các nước thuộc khối Ả Rập, Nam Phi…; đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, tận dụng hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ứng dụng các công cụ trực tuyến.
Các doanh nghiệp cũng cần hiểu rằng khi những bước tiến của Việt Nam đều hướng tới sự công nhận của quốc tế, điều quan trọng là phải giải quyết những vấn đề về môi trường và tính bền vững, bởi đó là yêu cầu của các nhà nhập khẩu và được đề cập trong các hiệp định thương mại tự do.
TIỂU MY