Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Trong chuyến về nguồn cùng gần 100 thành viên thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Bình Dương, các đơn vị gồm: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, chúng tôi đã có dịp tham quan cụm công trình lưu niệm về “Hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen”, nơi ghi dấu tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia…
Đoàn tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Bia đá đánh dấu điểm dừng chân X16, nơi Thủ tướng Campuchia Hunsen đã từng dừng chân cách đây 46 năm
Giá trị sống còn
Theo dòng lịch sử, 21 giờ ngày 20-6-1977, tại Sở Chỉ huy Trung đoàn Vùng 21 (căn cứ Kosthmo, xã Tolum, huyện Memot, tỉnh Kampongcham), ông Hunsen cùng 4 cán bộ thân tín là Nuoch Thol, Nhek Khuon, Sa Sanh và Va PaoHeang bắt đầu hành trình đến Việt Nam, tìm đường cứu đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Lúc này đang trong tình cảnh có tranh chấp vũ trang, rất khó phân biệt đâu là người ly khai, đâu là quân Khmer đỏ với ý đồ đánh lén, tính đến điều này ông Hunsen đã quyết định chỉ dẫn theo 4 người.
Theo dòng lịch sử, 21 giờ ngày 20-6-1977, tại Sở Chỉ huy Trung đoàn Vùng 21 (căn cứ Kosthmo, xã Tolum, huyện Memot, tỉnh Kampongcham), ông Hunsen cùng 4 cán bộ thân tín là Nuoch Thol, Nhek Khuon, Sa Sanh và Va PaoHeang bắt đầu hành trình đến Việt Nam, tìm đường cứu đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot… |
Khi đó, mưa to, sấm chớp đì đùng suốt từ 22 giờ đêm hôm trước đến tầm 1 giờ sáng hôm sau. Nhóm của ông Hunsen, một mặt phải hết sức nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm do thời tiết và sự truy sát của quân Pol Pot, mặt khác phải làm thế nào để bảo đảm an toàn tới đích trong chuyến đi này. Họ bí mật di chuyển luồn qua các cánh rừng chằng chịt cây, những trảng cây thốt nốt cao mọc thưa thớt ở vùng đồng bằng và nguy hiểm. Trong cái đói, cái lạnh tê người, phía trước họ là huyện Lộc Ninh (tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Phước) của Việt Nam...
Trước khi tiến vào lãnh thổ Việt Nam, ông Hunsen đã quay mặt về đất mẹ Campuchia với đôi mắt đẫm lệ, tự nhủ trong lòng rằng, 13 tuổi rời xa quê hương vì không có trường học và đến 25 tuổi phải ly hương vì bọn Pol Pot dã man. Lúc 2 giờ ngày 21-6-1977, khi tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam hơn 200m, ông Hunsen ra lệnh dừng nghỉ, chờ trời sáng rõ để định hướng tiếp tục hành trình trong cái đói cồn cào thấu ruột, thấu gan. Cuối cùng, ông đã đến và đặt niềm tin tưởng vào nhân dân Việt Nam.
Khởi đầu hành trình cứu nước Campuchia vào ngày lịch sử 20-6-1977, ông Hunsen đã khởi xướng một phong trào đấu tranh dưới ngọn cờ của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, cùng sự giúp đỡ của quân đội tình nguyện Việt Nam, trở về lật đổ chế độ phản động Pol Pot, giải phóng đất nước vào ngày 7-1- 1979, mở ra trang sử mới cho dân tộc Campuchia.
Cụm công trình lưu niệm “Hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen” đã ghi lại tất cả những giá trị sống còn này để các thế hệ sau có dịp nhìn lại, phát huy, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Nghĩa tình sâu nặng
Đi cùng đoàn, các đại biểu tỉnh Bình Dương đều chụp ảnh lưu niệm tại Bia đá lưu niệm điểm dừng chân X16, nơi mà Thủ tướng Campuchia Hunsen đã từng dừng chân cách đây 46 năm. Đi vòng vòng trong khuôn viên diện tích 50.000m2, chúng tôi đã đến với bia đá hình hoa sen có khắc quốc kỳ hai nước Việt Nam và Campuchia. Các thành viên trong đoàn ai cũng tràn đầy cảm xúc khi được tìm hiểu về địa danh X16, nơi ghi dấu đậm nét tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Được biết, cụm công trình lưu niệm “Hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen” được khởi công vào ngày 8-5-2021 do UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư. Dự án có 4 hạng mục, gồm: Bia đá lưu niệm tại điểm dừng chân X16; điểm cất giấu vũ khí; điểm gặp dân quân và nhân dân Việt Nam; nhà trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật liên quan đến hành trình cứu nước của Thủ tướng Hunsen.
Cụm công trình được lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam và Campuchia cắt băng khánh thành ngày 20-6- 2021. Cụm công trình nhằm ghi nhớ lại sự kiện ngày 20- 6-1977, Trung tá Hunsen, Trung đoàn trưởng Vùng 21, khu đông Campuchia (nay là Thủ tướng Campuchia) cùng đồng đội đã vượt qua biên giới Campuchia - Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ của Việt Nam nhằm đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, mang lại hòa bình cho đất nước chùa Tháp.
Ông Lai Xuân Thành, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Dương, cho biết trong chuyến đi này, các đại biểu đoàn Bình Dương đã có dịp ôn lại ý nghĩa sự kiện chính trị vô cùng quan trọng của Đảng và nhân dân hai nước. Đây là hoạt động nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 56 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24.6.1967 - 24.6.2023), 46 năm Ngày Thủ tướng Campuchia Hun Sen sang Việt Nam tìm đường cứu nước (20.6.1977 - 20.6.2023).
Anh Lê Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, xúc động chia sẻ: “Là thế hệ trẻ, chúng tôi rất tự hào khi tham quan công trình này. Có thể nói, cụm công trình lưu niệm thể hiện sâu sắc tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia; là điểm đến cho các bạn trẻ thanh niên, cộng đồng quốc tế để nhìn nhận thấy sự giúp đỡ chân tình của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia trong cuộc kháng chiến đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, mang lại hòa bình cho đất nước chùa Tháp…”.
Cụm công trình lưu niệm “Hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen” là điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử, nhằm tuyên truyền, giáo dục để hiểu rõ hơn về công lao của các thế hệ đi trước trong công cuộc tìm đường cứu nước, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot cũng như tinh thần quốc tế trong sáng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Đây là điểm nhấn lịch sử, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau của hai Nhà nước... Bà Trần Thị Kim Vân, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Bình Dương trao đổi với các chiến sĩ ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước về lịch sử cụm công trình lưu niệm “Hành trình cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen” |
HỒ VĂN