| 14-06-2014 | 00:00:00

Xa Doãn Hồng Lợi với ước mơ góp phần phát triển âm nhạc truyền thống

Xa rời mái ấm gia đình từ năm lên 8 tuổi, Xa Doãn Hồng Lợi (sinh năm 1989, quê ở Quảng Nam) theo học đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Huế và sau 14 năm khổ luyện, cô đã trở thành giảng viên âm nhạc.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha là nhạc sĩ Xa Văn Hùng (Hội Nhạc sĩ tỉnh Quảng Nam), nên Hồng Lợi có nhiều cơ hội đến gần với âm nhạc. Mới 4 tuổi, Hồng Lợi đã có thể tự đánh đàn với một số nốt nhạc căn bản. Lên 7 tuổi, Hồng Lợi hầu như hiểu và thông thạo hầu hết lĩnh vực âm nhạc cổ truyền, nhất là nhạc cụ dân tộc.

Hồng Lợi trong chương trình văn nghệ chào năm mới 2014 do Bình Dương tổ chức. Ảnh: THỤC VĂN

Thấy con gái có năng khiếu về âm nhạc, nhất là sau khi nghe cô thể hiện rất ngọt bài “Inh lả ơi” bằng đàn tranh, nhạc sĩ Xa Văn Hùng đã “bấm bụng” gửi Hồng Lợi ra tận Huế để học và theo đuổi ước mơ âm nhạc dân tộc cháy bỏng.

14 năm là hành trình đi tìm kiếm với ước mơ âm nhạc của Hồng Lợi. Suốt 14 năm sống và học tập tại Học viện Âm nhạc Huế (6 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp và 4 năm đại học), Hồng Lợi luôn là sinh viên tiêu biểu của trường với những thành tích nổi trội: 14 năm liên tục là sinh viên giỏi, tốt nghiệp thủ khoa đại học niên khóa 2007-2011 với số điểm 8.4, đạt giải A cuộc thi âm nhạc của Huế và nhiều giải thưởng khác. Ngoài giấy khen và học bổng nhà trường mà Lợi được nhận qua các học kỳ, Lợi còn được nhận các suất học bổng toàn phần và bán toàn phần như học bổng Vallet (Pháp), học bổng Toyota (Nhật)…

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa, Hồng Lợi vào miền Nam và quyết định chọn Bình Dương làm nơi lập nghiệp, sinh sống lâu dài.

Hiện, Hồng Lợi cảm thấy rất hạnh phúc với vai trò là giảng viên khoa Nghệ thuật trình diễn trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Tại môi trường thuận lợi này, Hồng Lợi đã đạt nhiều thành tích quý báu như: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giấy khen của Tỉnh đoàn vì đã hoàn thành tốt phong trào đoàn thể.

Ngoài giảng dạy ở trường, Hồng Lợi còn tham gia biểu diễn cho các sự kiện, các chương trình văn nghệ của tỉnh nhà và có lớp dạy đàn tranh tại nhà cho các “học viên nhí” rất yêu thích và có khả năng đàn rất tốt, góp phần truyền lửa đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc cho các bạn trẻ Bình Dương.

Hồng Lợi tâm sự: “Mình luôn ước mơ là làm sao để có thể góp phần vực dậy nền âm nhạc truyền thống của dân tộc, thành lập một ban nhạc dân tộc với đủ các loại nhạc cụ, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi nhạc cụ dân tộc. Và để có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực thì cần phải ra sức học tập với một trình độ cao hơn, không dừng lại ở tấm bằng đại học”.

THỤC VĂN

Chia sẻ