| 02-12-2014 | 10:44:37

“Xạ thủ” săn rắn

Gần đây, trong những vườn tràm xung quanh khu vực hồ đá (KP.Tân Lập, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An) thường xuất hiện những người cầm giàn ná thun lùng sục hết bụi cây này đến bụi cây khác, họ là những “xạ thủ” chuyên săn rắn. Công việc săn bắt rắn này luôn tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng của họ và cũng “góp phần” đưa loài rắn đến bờ vực diệt vong.

Anh Cường (trái) và anh Thiết đang truy lùng một con rắn lải.  Ảnh: N.HẬU

“Tuyệt chiêu” hạ rắn

Chúng tôi có mặt tại nhà anh Cường “rắn” vào một ngày chủ nhật để tham gia một buổi săn rắn. Tại căn nhà tạm được che bằng lá dừa nằm phía sau trường Đại học Quốc tế Đại học Quốc gia TP.HCM (KP.Tân Lập, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An), nhìn chúng tôi, anh Cường ái ngại: “Chú mày đi gì sớm thế? Chú mày có sợ rắn không?”. Chúng tôi quả quyết muốn theo anh một chuyến. Anh Cường nói: “Khi nào trời có nắng thì chúng nó (rắn) mới lên lột da. Lúc này mình đi mới có. Chú mày ngồi chơi ở đây, anh sửa lại vũ khí cái đã”. “Vũ khí” của anh Cường chỉ là cái giàn ná thun đơn sơ nhưng đã có không biết bao nhiêu rắn đã “bỏ mạng” vì cái vũ khí này.

Đi với chúng tôi và anh Cường còn có anh Thiết, đang làm thợ mộc cho một công ty chế biến gỗ ở TX.Dĩ An. Anh Thiết là “chiến hữu” bắt rắn của anh Cường. Cứ mỗi sáng chủ nhật họ lại mang theo giàn ná thun để săn rắn. Anh Cường giải thích: “Rắn lải (loài rắn ráo thường) rất nhanh nhẹn, chỉ cần đánh hơi có người là lập tức lao vào bụi rậm ngay. Vì vậy, tụi tôi mới nghĩ ra cách dùng ná thun để bắn. Nhưng để bắn được rắn lải không phải chuyện dễ, phải “bách phát bách trúng”. Không những bắn trúng mà phải biết chọn vị trí trên thân con rắn để bắn. Nếu bắn trúng đầu thì con rắn sẽ chết, như vậy rắn sẽ không bán được vì thịt không tươi ngon, quán nhậu chỉ nhận mua rắn sống. Còn nếu bắn vào đuôi thì rắn vẫn có thể chạy được, dù có bắt được thì con rắn không còn “đẹp”. Các quán nhậu thường chê những con rắn bị mất đuôi hoặc tróc vẩy. Tụi anh chỉ còn một chỗ “chí mạng” duy nhất là giữa sống lưng của con rắn, khi “điểm trúng huyệt” này thì con rắn đó coi như lên bàn nhậu!”. Anh cười xòa rồi giải thích thêm khi bắn trúng vào giữa sống lưng con rắn thì nó rất khó chạy trốn mà chỉ biết nằm yên chờ chết thôi. Nhưng bắn trúng sống lưng là một chuyện, phải biết ước chừng sao cho lực của đạn đá bay ra từ giàn ná thun vừa đủ mạnh vì mạnh quá thì sẽ làm con rắn gãy sống lưng và tróc da hoặc nếu yếu quá thì không bắt được con rắn. “Đó là cả nghệ thuật mà tụi tôi hay nói vui là nghệ thuật bắn rắn”, anh Cường nói.

Địa điểm các thợ săn rắn thường hoạt động là ở khu vực các hồ đá (KP.Tân Lập, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An), nơi có nhiều cây mọc hai bên bờ hồ. Anh Thiết giải thích: “Loài rắn lải có thói quen sống xung quanh các bờ hồ, kênh rạch… là địa điểm lý tưởng cho rắn săn mồi và nghỉ ngơi. Đặc biệt, mỗi khi trời mưa, do hang ẩm ướt nên chúng leo lên cây; đây là thời điểm tốt nhất cho “xạ thủ” ra tay.” Anh Thiết vừa nói dứt câu, thì chúng tôi nghe anh Cường gọi: “Có một “em” nè! Xem chừng con này được lắm đó!”. Chúng tôi nhanh chân bám theo họ tiếp cận một bụi cây được xác định là có rắn. Anh Cường kéo căng giàn ná thun nhắm một con rắn đang nằm vắt ngang cành cây. Anh Thiết nhẹ vòng ra sau bụi cây, đối diện với anh Cường để “đón” nếu con mồi tìm đường thoát. Sau một tiếng “bậc” phát ra từ ná thun của anh Cường, con rắn rơi xuống gần nơi anh Thiết đứng. Mặt dù đã bị trúng đòn nhưng con rắn vẫn còn nhanh nhẹn bò đến bụi cây gần đó. Anh Thiết đuổi theo và nắm trúng đuôi con rắn nhấc bổng và xoay con rắn luôn mấy vòng. Choáng vì bị anh Thiết xoay như “chong chóng”, con rắn đơ ra và ngoan ngoãn nằm gọn trong túi vải.

Ngày hôm đó, hai anh Cường và Thiết đã bắt được 6 con rắn lải. Anh Cường nói: “Hôm nay không được hên cho lắm, chứ mấy hôm kia, tụi tôi kiếm được kha khá. Có hôm được 20 con. Chắc tại dạo này, người tham gia bắn nhiều quá nên rắn ngày càng ít đi!”.

Đối mặt với hiểm nguy

Theo chân những “xạ thủ” nhiều ngày, chúng tôi được các anh kể nhiều lần cận kề “tử thần” khi đụng độ với những con rắn cực độc. Anh Cường cho biết: “Đến giờ ngẫm lại cũng thấy ông bà mình nói “sinh nghề, tử nghiệp” đúng thật! Nhưng số mình chưa tận, nhiều lúc tưởng chừng đã đối mặt với tử thần khi chạm trán với “rắn bà”, “rắn ông”, những lúc đó thì chỉ biết lạy thôi chứ không dám làm gì hết! Dù có bắn giỏi đến nhường nào nhưng gặp phải rắn hổ mang thì chạy càng nhanh càng tốt. Nhưng vẫn có người “liều mạng” muốn bắt cho bằng được những con rắn này, vì chúng bán được nhiều tiền. Riêng mình thì không “có gan” như vậy!” Anh cười xòa. Anh cho biết gặp rắn hổ mang thì hiếm nhưng gặp các loài rắn độc khác là chuyện như cơm bữa của dân săn rắn. Mới đây, anh còn gặp phải rắn cạp nia (một loài rắn cực độc) khi đang truy lùng một con rắn lải. Lúc tóm được con rắn lải thì anh giật mình nhận ra cách đó hai bước chân có một con rắn cạp nia đang nằm cuộn mình. Anh nhanh chân bỏ chạy thục mạng.

Anh Thiết chỉ vào vết sẹo vừa kéo da non trên mu bàn tay kể: Đây là vết sẹo bị rắn lải cắn cách đây mấy hôm. Anh nói chỉ sơ ý một tí mà con rắn táp ngay một phát đau điếng cả người. Mặc dù rắn lải không có nọc độc nhưng có hàm răng chắc khỏe và sắc nhọn. Khi bị rắn lải cắn, vết thương không ngừng chảy máu liên tục và đau nhức, vì vậy phải nhanh chóng cầm máu bằng lá thuốc.

Săn bắt tận diệt

Theo lời kể của anh Cường, ngày trước ở những cánh rừng tràm (KP.Tân Lập, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An) rắn lải nhiều “như ếch nhái trên đồng”. Nhưng khi phát hiện đây là món ăn ngon, bổ dưỡng nên người ta đã đổ xô đi sắn bắt rắn lải.

Chính tập tính “lưỡng cư” của loài rắn này đã đưa chúng tới chỗ có nguy cơ diệt vong: ban đêm chúng thường bám trên những cành cây hướng ra mặt nước để ngủ, phòng khi có kẻ thù tấn công thì nhảy ngay xuống nước trốn. Những tay thợ săn ban đêm thường dùng đèn pin rọi thẳng vô mắt khiến cho rắn bị lóa, sau đó họ lấy cây tre dài có gắn móc sắt kéo chúng xuống hoặc dùng ná thun bắn. Gần đây thợ săn dùng phương thức ác hơn: dùng bình ăcquy tạo xung điện dưới nước, chỗ rắn lải ngủ. Khi nghe động, rắn phóng xuống nước, chưa kịp lặn đã “dính chưởng”, ngay đơ.

Trong tự nhiên, loài rắn rất thích ăn trùn, dế, sâu bọ. Một năm tuổi rắn lải có thể đạt trọng lượng tới gần 1kg, con trưởng thành có thể dài tới 2m. Bởi hương vị thịt rất thơm, ngọt và có tác dụng bồi bổ cơ thể nên có dạo các quán đặc sản ra giá tới 300.000 - 400.000 đồng/ kg nhưng vẫn không đủ cung ứng. Thợ săn mỗi đêm bắt được chừng 3 - 4 con, bỏ túi cả triệu đồng.

Theo Sách đỏ Việt Nam, rắn ráo thường không có nọc độc, sống trên cạn, leo cây và bơi lội tốt. Rắn sống phân bố hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Rắn ưa sống trong các bụi cây tre quanh làng, hay trong đồng ruộng, trong các bụi cây, bụi rậm gần nước, trong vườn cây gia đình. Nhiều trường hợp rắn còn đột nhập cả vào nhà dân, leo trên xà nhà để bắt chuột. Rắn kiếm ăn chủ yếu vào ban ngày, ở miền Nam có thể cả ban ngày lẫn ban đêm. Con mồi chủ yếu là chuột, chim non, trứng chim, thạch sùng, thằn lằn bóng, ếch nhái. Hiện nay, quần thể rắn ráo thường đang bị suy giảm ít nhất 50% số lượng cá thể do nơi cư trú bị thu hẹp, môi trường ô nhiễm, quá trình mở rộng đô thị, đường sá, săn bắt tận diệt, buôn bán trái phép. Để bảo tồn loài động vật hoang dã này, Nghị định Chính phủ 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, rắn ráo thường được xếp bổ sung vào nhóm IIB (động vật rừng), cần thực hiện triệt để việc cấm săn bắt, sử dụng, buôn bán và nên thành lập các trại nuôi tập thể, khuyến khích nuôi gia đình ở những làng có nghề bắt rắn truyền thống.

 

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ