Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Ngày 24-2, một nhóm các nhà thiên văn học đến từ Trung tâm khoa học quốc gia Australia (CSIRO) cho biết đã xác định được nguồn phát ra những tín hiệu vô tuyến (hay còn gọi là các xung sóng vô tuyến) bí ẩn mà các nhà khoa học phát hiện từ nhiều năm nay, là từ một dải ngân hà cách Trái Đất khoảng 6 tỷ năm ánh sáng.
Kể từ lần đầu tiên được phát hiện năm 2007, cho tới nay, các nhà khoa học mới chỉ 17 lần quan sát được các xung sóng vô tuyến (đợt bùng phát sóng vô tuyến), dù họ vẫn tin rằng mỗi ngày có ít nhất 10.000 xung sóng vô tuyến xảy ra.
Nhiều người thậm chí còn đoán rằng, đây là tín hiệu do người ngoài hành tinh phát ra. Tuy nhiên các nhà khoa học phủ nhận điều này và cho biết một xung sóng vô tuyến (FRB) quan sát được ngày 18/4/2015 được cho là do sự va chạm của 2 ngôi sao neutron.
Sau khi phát hiện FRB này, các nhà khoa học đã huy động nhiều kính thiên văn tại các địa điểm khác để cùng quan sát và phân tích.
Kết quả cho thấy FRB này được phát ra từ một dải ngân hà hình elip (chứ không phải hình xoáy ốc như Dải Ngân hà của chúng ta) rộng khoảng 70.000 năm ánh sáng và có kích cỡ gấp khoảng 100 tỷ lần Mặt Trời.
Không thể nhìn được bằng mắt thường, FRB chỉ kéo dài chưa đầy 1 giây và trong một phần nghìn giây có thể tạo ra năng lượng tương đương với năng lượng do Mặt trời tỏa ra trong vòng 10.000 năm.
Dù đã phát hiện và theo dõi FRB suốt 9 năm nay, nhưng hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết những xung sóng vô tuyến này đến từ đâu, hình thành như thế nào.
Nhà khoa học Simon Johnston đến từ CSIRO cho rằng việc phát hiện ra điểm xuất phát của các xung sóng vô tuyến bí ẩn này sẽ mở ra cơ hội xác định nguồn gốc tạo ra chúng./.
(Theo VNA)