Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những năm qua, huyện Phú Giáo đã định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm thế mạnh, mang tính thương hiệu cho địa phương. Phú Giáo cũng quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.
Những mô hình này chính là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất quy mô lớn, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đã thực hiện thành công mô hình sản xuất nông nghiệp (dưa lưới) ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể là HTX đã đầu tư cơ giới hóa, nâng cao năng suất giống, cải tiến quy trình canh tác, cải thiện năng suất lao động. Hiện nay, tất cả thành viên HTX đều hướng đến việc gắn kết nhiều “thửa dưa nhỏ” trở thành những cánh đồng lớn để đạt mục tiêu sản xuất hàng hóa, nâng tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị. Để tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp trên những cánh đồng lớn, chuỗi giá trị phải được hình thành song song với tiến trình mở rộng cánh đồng lớn.
Trong đó, vai trò của kinh tế tập thể, nhất là các HTX nông nghiệp là một mắt xích quan trọng để liên kết với doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, giá trị gia tăng của chuỗi ngành hàng dưa lưới của HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long tăng lên ở khâu sau thu hoạch, bao gồm bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói bao bì, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, bán hàng, thương mại hóa qua đa dạng kênh phân phối.
Với 90 thành viên, tổng diện tích 22 ha, sản lượng thu hoạch mỗi năm của HTX này đạt trên 2.000 tấn; thương hiệu dưa lưới Kim Long đạt chứng nhận GlobalGAP từ năm 2019, chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020. Mới đây, trong đợt khảo sát mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của huyện Phú Giáo, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao quy trình sản xuất công nghệ cao của mô hình này. Điểm nổi bật là mô hình này giúp giảm 20% chi phí sản xuất, giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến mô hình cánh đồng lớn, xanh, bền vững.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở, ngành và các trường đại học phối hợp đi sâu nghiên cứu, chọn lọc giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để nông dân đầu tư; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân; nghiên cứu mở rộng thị trường, ký kết dài hạn, ổn định đầu ra nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá. Trong đó, khuyến khích thành lập các trung tâm, câu lạc bộ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến để giúp nông dân cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hữu ích, học tập mô hình sản xuất của nước ngoài…
TIỂU MY