| 21-03-2015 | 08:21:51

Xây lý tưởng ở chốn lao tù – Kỳ 6

Kỳ 6: Vượt qua nỗi đau!

Trong nhà tù, trước đòn roi tra tấn của kẻ thù, những người đảng viên trung kiên luôn kiên định lý tưởng, vượt qua những nỗi đau về thể xác, tinh thần, nêu cao ý chí, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo phong trào đấu tranh của anh em bạn tù. Họ đã cống hiến hết mình cho cách mạng, không tiếc máu xương, ngay cả khi phải đối mặt với cái chết gần kề cũng không hề lo sợ, giữ vững niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng.

Vững vàng trước những đòn roi

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Đức, một cựu tù chính trị trong một con hẻm nhỏ tại phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Tập tễnh bước ra đón chúng tôi, ông cười xòa và bảo: “Đấy! Một chân đã mất. Chân còn lại cũng không khá là bao đâu chú. Cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, các vết thương lại đau nhức lắm chú ạ”. Năm nay đã 73 tuổi, tuy dáng đi tập tễnh và chậm chạp nhưng giọng nói của ông vẫn rất sôi nổi khi kể về những tháng ngày tham gia cấp ủy Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh của anh em bạn tù trong suốt thời gian từ 1968 đến năm 1973.

Sau khi đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, ông Đức hiện đang sống cuộc sống thanh nhàn trong ngôi nhà nhỏ ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: C.SƠN

Năm 1959, khi mới 17 tuổi, ông Đức đã tham gia cách mạng, làm du kích, công tác Đoàn và hoạt động phong trào tại địa phương. Thực tiễn cách mạng đã giúp ông nhanh chóng trưởng thành, được kết nạp Đảng vào năm 1962 và là đảng ủy viên của xã An Điền, huyện Bến Cát, quê gốc của ông. Tháng 6-1968, trong một lần đi kết nối cơ sở, bị chỉ điểm, địch bắn gãy chân và ông bị bắt. Cất giữ trong người nhiều tài liệu quan trọng, ông đã nhanh chóng cất giấu chúng xuống lớp sình lầy của mặt ruộng trước khi bị giải đi. Dù biết ông bị thương nặng, địch cũng không buông tha. Trong thời gian ông điều trị, chúng tiến hành hỏi cung bằng cách dùng gậy đập vào vết thương khiến ông như chết đi sống lại. Do vậy, cái chân trái của ông phải tháo khớp 3 lần. Kể về những lần bị địch tra tấn, ông Đức vừa nói vừa cười một cách thật hiền hòa, thậm chí có phần dí dỏm: “Qua những lần tra khảo, một chân của tôi đã mất, chân còn lại rất yếu nhưng địch tức anh ách vì chúng không khai thác được gì. Tôi đã từng tuyên thệ dưới cờ Đảng, khi đã đi chiến đấu, dù có hy sinh cũng quyết không khai. Sau khi bình phục, tôi bị chuyển đến giam giữ tại trại giam tù binh Hố Nai - Biên Hòa và bắt đầu tham gia nhiệm vụ đấu tranh trong cảnh tù đày”.

Đến Hố Nai, dù biết chắc trong nhà tù có tổ chức Đảng của ta nhưng cũng phải mất thời gian khá lâu ông mới kết nối được, vì cơ sở Đảng tại nơi này hoạt động cũng hết sức bí mật. Đầu tiên, ông được phân công làm nhiệm vụ kết nối các đảng viên. Lúc này, vết thương ông chưa khỏi hẳn, còn mưng mủ, phải đi cà nhắc nhưng đây lại là “lợi thế” vì bọn cai ngục cũng ít chú ý đến một thương binh, chúng tưởng ông gần như đã mất sức chiến đấu. Vậy là ông có cơ hội “tung hoành” qua lại. Ông tranh thủ khi đi vệ sinh, đi tắm, phơi nắng để kết nối nhanh với anh em. Ông bảo: “Công việc coi vậy mà không dễ. Nhiều anh em dù quen biết nhau từ bên ngoài nhưng cũng không dám nhận nhau ngay, phải sau một thời gian điều tra thấy đạt tiêu chuẩn mới mở lòng và kết nối”. Cứ như vậy, ông Đức như sợi chỉ đỏ từng bước, dần dần kết nối các đảng viên lại với nhau trong trận chiến không khoan nhượng với kẻ địch.

Giương cao ngọn cờ đấu tranh

Sau một thời gian từ khu A, ông Đức được chuyển ra khu B, bị giam tại phòng số 18 cùng với trên 40 bạn tù khác. Tại đây, Đảng ủy trong nhà tù đã chỉ định ông giữ chức Phó Bí thư Chi bộ phòng 18. Tham gia vào cấp ủy lãnh đạo, ông đã tham mưu cho cấp ủy thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong hoàn cảnh lao tù. Đó là cần phải giữ vững đoàn kết nội bộ, giáo dục khí tiết cho mọi người, đặc biệt là đoàn viên trẻ trong nhà tù. Tranh thủ những lúc gặp nhau như khi ăn cơm, lãnh đạo cấp ủy Chi bộ B18 lại sinh hoạt nhanh, khuyên nhủ anh em cố gắng chịu đựng, giữ vững lập trường chính trị, không đầu hàng địch, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng.

Từ đó, cấp ủy B18 đã lãnh đạo anh em bạn tù đứng lên đấu tranh chống điểm danh, chống chào cờ, không làm cỏ khu giam giữ, bảo đảm chế độ ăn cho người tù… Những lần đấu tranh, dù có bị đàn áp nhưng do mọi người đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chi bộ, địch cũng từng bước phải nhân nhượng. Đặc biệt, đối với những đoàn viên bị giam giữ trong trại giam, chi ủy B18 xác định cần phải giáo dục bồi dưỡng tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu cho thế hệ kế thừa. Chính vì vậy, trong những dịp kỷ niệm truyền thống của Đoàn, dù khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng chi ủy vẫn quyết định trích một phần bánh kẹo của các anh em được thăm nuôi làm quà động viên cho các đoàn viên trẻ với mong muốn thanh niên sẽ giữ vững lập trường, sát cánh cùng cấp ủy Đảng. Do được quan tâm giáo dục, động viên, trong những cuộc nổi dậy của tù binh nơi này, đoàn viên trong nhà tù luôn bám sát cấp ủy, xung phong xông lên trong những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho người tù.

Trong ký ức của mình, ông còn nhớ rất rõ sự kiện cách đây đã trên 40 năm, ấy là vào năm 1972, khi nghe có thông tin về Hiệp định Paris có thể được ký kết, dù chưa biết chính thức ngày trao trả tù binh, Đảng ủy trong nhà tù đã phân công mỗi chi bộ làm một lá cờ Tổ quốc để sử dụng vào dịp trao trả. Ông Đức và các đồng chí trong chi ủy đã nhanh chóng nghĩ cách làm cờ. Lúc này, các vật liệu để làm ra được một lá cờ là hết sức khó khăn. Quá trình làm phải thật bí mật trước những cặp mắt săm soi của kẻ thù. Chi ủy B18 đã ra chỉ thị kêu gọi anh em xé mùng, khâu lại làm cờ. Nền cờ màu đỏ thì đã sẵn có các lọ thuốc đỏ trị thương của anh em gom lại để nhuộm. Màu vàng của ngôi sao thì anh em tù gom góp thuốc trị sốt rét màu vàng đem tán nhuyễn, hòa với nước để in lên. Phải mất trọn 1 ngày 1 đêm vất vả thay phiên nhau may vá, lá cờ Tổ quốc với diện tích trên 1m2 mới được hoàn thành. Ông vui vẻ kể lại: “Lá cờ làm ra có phần không được đẹp lắm nhưng ai nấy cũng rất vui mừng, nhiều anh em còn rơi nước mắt!”. Sự hiện diện của lá cờ Tổ quốc trong ngục tối như là minh chứng cho sức mạnh của những người đảng viên ở chốn lao tù, là biểu tượng cho khí tiết không bao giờ đầu hàng của người tù cách mạng lúc bấy giờ. Ngọn cờ này đã được ông và các đồng chí, đồng đội bí mật cất giấu và được sử dụng trong đợt trao trả tù binh sau đó.

Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ông Đức lại tiếp tục cống hiến sức mình cho công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Dù ở cương vị nào ông đều nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, cống hiến hết sức mình cho cách mạng. Giờ đây, khi tuổi cao sức yếu, không còn khả năng cống hiến, ông lại về với cuộc sống thanh nhàn tại ngôi nhà nhỏ của mình. Với trách nhiệm của người cha, người ông, ông vẫn thường xuyên giáo dục lý tưởng của những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày cho con cháu để truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ sau này.

Kỳ 7: Tiếp bước dưới cờ Đảng

LTS: Sau khi Báo Bình Dương khởi đăng loạt ký sự “Xây lý tưởng ở chốn lao tù”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả, đặc biệt là những đảng viên trẻ, bày tỏ sự cảm phục và tri ân trước ý chí đấu tranh kiên cường, những đau thương mất mát và hy sinh của những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Để tạo tính tương tác, từ bài viết này, tòa soạn sẽ trích đăng lần lượt các ý kiến cảm nhận từ những đảng viên trẻ.

Họ đã dành hết tình yêu để xây lý tưởng…

Đọc các bài viết trong loạt ký sự “Xây lý tưởng ở chốn lao tù” trên báo Bình Dương khiến tôi vô cùng cảm động và dấy lên nhiều suy nghĩ. Tôi rất khâm phục trước ý chí cao cả của các đồng chí cách mạng lão thành. Những cựu tù chính trị đã cống hiến trọn tuổi trẻ vì lý tưởng cách mạng, dành hết tình yêu để xây đắp cho lý tưởng đó. Dù phải chịu những đòn tra tấn dã man của địch, chịu biết bao nhiêu tủi nhục trong chốn lao tù, họ vẫn kiên gan, bền chí không khai ra nửa lời để bảo vệ đồng chí, đồng đội, bảo vệ tổ chức của Đảng; tiếp tục sống và chiến đấu đến ngày giành độc lập. Trong ngục tù tối tăm, ngọn lửa cách mạng luôn rực sáng, soi đường cho các cô, các chú.

Là một đảng viên trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình, tuổi trẻ của chúng tôi không bao giờ quên công ơn của thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương để ngày nay chúng tôi được lao động, học tập trong môi trường tốt nhất. Vì thế, tôi luôn tự hứa sống đúng lý tưởng cao đẹp của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân và tinh thần kiên định, không khuất phục trước những khó khăn, cố gắng lao động, học tập, hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

(Nguyễn Thanh Hải, một đảng viên trẻ, cán bộ Tỉnh đoàn)

 

CAO SƠN

Chia sẻ