Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Mấy ngày nay, dư luận xã hội xôn xao trước sự việc một nữ sinh lớp 7 “bị làm nhục vì lấy cắp hai cuốn sách”. Không ai cổ súy cho hành vi trộm cắp, nhưng cách hành xử của những người ở một nhà sách của tỉnh Gia Lai bằng cách cột tay, dán tấm bảng có dòng chữ “tôi là người ăn trộm” giữa chốn đông người là hành động xúc phạm danh dự của người khác, khiến cho mọi người vô cùng phẫn nộ.
Khi biết về trường hợp của em qua các phương tiện truyền thông, đa số độc giả đứng về phía em không phải bênh vực, bao che cho việc ăn trộm, nhưng người ta cảm thông vì món hàng em lấy là sách. Sách là kho tàng kiến thức mà mỗi người muốn làm giàu kiến thức cho mình phải thường xuyên đọc. Người lớn cảm thấy lo lắng khi giới trẻ ngày nay đã không còn thói quen đọc sách. Bởi thế, Nhà nước ta đang khuyến khích đọc sách. Nhiều hoạt động khuyến khích văn hóa đọc đang được thực hiện như Hội sách, Ngày sách Việt Nam… Rất mừng khi những học sinh vùng nông thôn, vùng xa như em khát khao đọc sách. Các em ở những nơi này rất cần những món ăn tinh thần vô giá từ sách.
Dân tộc Việt vốn có truyền thống nhân ái, hiếu học. Việc “trộm” sách vì thế vẫn nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với trộm những thứ khác. Việc dùng nhục hình, bêu xấu người khác là hành vi đáng trách. Bởi danh dự, nhân phẩm con người, rất cần được tôn trọng, nhất là trẻ em. Chỉ cần một “vết xước” nhỏ thời trẻ có thể ảnh hưởng cả tương lai của em sau này. Thực tế xã hội vẫn còn đó một bộ phận trẻ em chưa được tôn trọng. Những vụ ngược đãi, hành hạ trẻ em vẫn còn xảy ra dù ai cũng biết trẻ em là “búp trên cành” cần được nâng niu, chăm sóc. Đặc biệt, Nhà nước đã có Pháp lệnh Bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Trở lại với trường hợp nữ sinh bị làm nhục chỉ vì lấy trộm 2 cuốn sách, người lớn có rất nhiều cách để giáo dục nếu trẻ có tính trộm cắp. Mới đây, trong bài “Cậu học trò trộm sách” đăng trên báo ngày 16-4 có nêu cách ứng xử khá nhân văn ở trường hợp tương tự. Sau khi chỉ cho cậu học trò thấy những cái sai về hành vi ăn trộm, bắt cậu bé viết bảng tường trình và cho cậu về. Và câu chuyện kết thúc rất có hậu, cậu bé được chủ nhà sách tặng luôn quyển sách với lời dặn: “… khi nào trở thành tài tử nổi danh nhớ diễn cho tôi xem”. Giá như nhân viên của nhà sách của tỉnh Gia Lai cũng có cách xử sự tương tự như vậy thì chuyện đáng tiếc đã không xảy ra.
Qua sự việc trên cho thấy, những người làm công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng cần có những kỹ năng giao tiếp cần thiết, có thái độ ứng xử văn hóa nơi công cộng. Ở các trung tâm mua sắm, nhà sách, siêu thị, nên xây dựng, giáo dục cho nhân viên nếp sống văn hóa văn minh, biết xử lý những tình huống có thể xảy ra ở mọi hoàn cảnh thật thông minh, khôn khéo, tế nhị.
DÂN THƯỜNG