| 18-05-2022 | 08:12:16

Xin đừng “té nước” theo... xăng!

 Thời gian qua, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu liên tục tăng theo giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp, tiểu thương, người tiêu dùng tìm cách thắt chặt các khoản chi phí, chi tiêu để thích ứng và tồn tại.

Thực tế, từ đầu năm 2022 đến nay, do tác động của giá xăng dầu, cước vận tải tăng cao nên nhiều mặt hàng như: Dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, thịt, cá, rau quả… đã hình thành mặt bằng giá mới, tăng cao hơn khoảng 10 - 20% và “neo” giá đó cho đến nay. Cũng chính vì lẽ đó mà thuế giá trị gia tăng (VAT) một số mặt hàng đang chịu mức 10% được giảm về 8%, nhưng người tiêu dùng chưa kịp cảm nhận thuế VAT được giảm 2 %, lại thấy giá nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tăng vọt hàng chục %.

Tại các chợ truyền thống, sức mua thời gian qua khá chậm. Lượng khách đến mua sắm thưa thớt khiến nhiều tiểu thương đã cân nhắc, giảm lượng hàng nhập về bán vừa đủ, hạn chế tình trạng hư hao, đọng vốn. Một số tiểu thương còn giảm diện tích thuê mặt bằng, thay đổi phương thức nhận hàng tại chợ…

Các siêu thị trên địa bàn có lợi thế hơn khi hợp đồng đã ký kết từ đầu năm nên vẫn “neo” giá cũ được với các nhà cung cấp để giữ bình ổn giá cả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá xăng dầu, vận chuyển, hệ thống siêu thị đã xem xét đề nghị của các nhà cung cấp, phân phối hàng hóa về việc tăng giá bán nhiều mặt hàng tiêu dùng. Đây là các mặt hàng chịu nhiều tác động về chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất. Tuy nhiên, các đơn vị này cho biết việc điều chỉnh giá sẽ được xem xét, có lộ trình tăng giá phù hợp, không chấp nhận tăng ồ ạt.

Thực tế là vậy song theo các chuyên gia kinh tế, chi phí xăng dầu cũng không phải là tất cả yếu tố trong sản xuất hàng hóa mà chỉ là yếu tố gây ảnh hưởng. Việc tăng giá hàng hóa quá nhanh một phần do lan tỏa của yếu tố tâm lý trước thực tế giá xăng tăng cao. Trong đó, cũng không loại trừ việc giá tăng do “làm giá” cao kiểu “té nước theo mưa”.

Về thị trường, các chuyên gia cũng nhận định giá hàng hóa không thể tiếp tục đuổi theo giá xăng dầu vì nếu tăng quá cao sẽ khiến khách hàng “bỏ chạy” không tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, kể từ sau dịch bệnh Covid-19, hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do thu nhập hạn chế. Chính vì lẽ đó, trong bối cảnh này, muốn thích ứng và tồn tại, doanh nghiệp, tiểu thương phải linh động giảm bớt lợi nhuận và các khâu trung gian để giữ giá bán sản phẩm. Việc xem xét giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định. Có như vậy, mới có thể tồn tại và phát triển, cùng người tiêu dùng vượt qua trong thử thách trong bối cảnh khó khăn chung.

 TIỂU MY

Chia sẻ