Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Kỳ 1: Những đứa trẻ bị vứt bỏ
Kỳ 2: Xóm “không cha"!
Nạn con rơi quanh các khu công nghiệp (KCN) đã khiến chúng tôi quặn lòng. Nhưng khi đến “xóm không cha” gần bên KCN Đại Đăng, lòng chúng tôi càng thêm trĩu nặng khi gặp các nữ công nhân bạc phận.
Cưới vội!
Một buổi tối se lạnh cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến xóm trọ khuất sau KCN Đại Đăng (thuộc tổ 8, khu phố 9, phường Phú Lợi, TX.TDM). Một khung cảnh tối tăm bao trùm lên cả con hẻm. Chưa kịp dựng xe, từ bên trong vọng ra tiếng trẻ thơ khóc gào. Xóm bị phụ bạc đó! Một chị trong hội phụ nữ hướng dẫn đường cho chúng tôi thốt lên!
Bé H.T.H 2 tuổi “kháu khỉnh” với bà ngoại “bất đắc dĩ”
B.T.T.H., trên nách ẵm đứa con nhỏ từ trong xóm trọ vội bước ra. Đi đâu vậy H., chị hội phụ nữ hỏi? “Dạ, mẹ con em đi mua dầu về xào rau”. Giờ này chưa ăn tối hả? “Dạ, em mới đi làm về”. H. rầu rĩ: “Từ ngày chồng bỏ rơi mẹ con em, cuộc sống khó khăn rất nhiều chị ạ. Dạo này tiền sinh hoạt tăng đủ thứ, tiền gửi con bé vào nhà trẻ mỗi tháng đứt 500.000 đồng, tiền thuê trọ 250.000 đồng, tiền sữa cho con nữa không kham nổi chị ơi”. H. kể liền một mạch về nỗi khổ một mình nuôi con nhỏ. Tuy còn trẻ, nhưng chúng tôi thấy H. có vẻ mặt đượm buồn, thăm thẳm đường đời.
Rời ruộng vườn từ Nam Định, vào vùng đất công nghiệp Bình Dương. Sau hơn 1 năm lao động, H. quen với một thanh niên cùng quê chưa được bao lâu thì nhanh chóng có gia đình. Một đám cưới vội được tổ chức, không giấy kết hôn. Đến ngày sinh thì chồng “không mang gông vào cổ” dứt bỏ mẹ con H. chóng vánh, không chút tiếc thương. Đứt đoạn tình, gãy gánh hôn nhân “đột ngột” đẩy số phận mẹ con H. dạt về xóm trọ của chị Hà nằm khuất bên hông KCN Đại Đăng. H. là công nhân của một xưởng gỗ, thu nhập mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Cuộc đời của H. bị “xô đẩy” thê thảm, từ một cô gái xinh đẹp, nay một mình tay xách, nách mang với đứa con thơ dại, dung nhan cũng đã tàn phai.
Mong cha...
Nói về nạn “sống thử” của giới công nhân, chị Bùi Thanh Phương, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Lợi thở dài: “Ở khu phố 8 này, tỷ lệ công nhân nữ ở trọ gấp mấy lần dân địa phương. Các em vừa xa gia đình, không giữ được mình, non dạ, ít giáo dục nên xảy ra tình trạng có thai ngoài ý muốn xảy ra nhiều ở khu trọ”.
Chúng tôi nín lặng khi biết thêm câu chuyện buồn “chua chát” của ba mẹ con chị P. ở cùng xóm trọ. Đã 9 giờ tối rồi, mẹ con chị P., 38 tuổi, quê Kiên Giang đang ngồi khúm núm lặt những bông hoa huệ vừa xin ở chùa về để làm thức ăn cho bữa tối muộn. Chị hội phụ nữ đi cùng chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên: “Từ trước giờ tôi chưa biết bông hoa huệ có thể nấu ăn được”. Chị P. giải bày: “Ăn hoa huệ vào những ngày đầu xuân, đầu năm hay rằm hàng tháng làm cho con người hiền lành hơn”. Thế mà, gia đình chị lại liên tục gặp “sóng gió”. Cha của hai đứa con chị P. đã đi theo “cánh chim lạ”, bỏ rơi chúng cách đây 3 năm rồi, chị P. kể về gia cảnh trong nước mắt. Bơ vơ giữa xóm trọ, không còn chỗ dựa, chị P. lớn tuổi không còn nhà máy nào nhận làm công nhân. Từ ngày bị chồng ruồng bỏ, chị chuyển qua nghề may vá cho xóm trọ, sửa chữa quần áo cũ, kiếm gạo nuôi con. Để tìm cha cho bọn trẻ, có lần chị “khất tiền trọ” 500.000 đồng đánh liều đi tìm chồng. Hay tin chồng đang ở Vũng Tàu, chị lên xe tức tốc về xứ biển, thế mà “nó” đâu chịu về với con, chị P. đắng lòng.
Cuối dãy trọ ôm con nhỏ chạy lên, Đ.T.D.N. cũng chung số phận không chồng nuôi con. N. còn rất trẻ mới tròn 20 tuổi nhưng có con gần 3 tuổi. Từ Đồng Tháp lên Bình Dương 5 năm nay, N. là công nhân của một xưởng gỗ, làm công ăn lương hàng ngày 60.000 đồng. Cuộc sống bấp bênh ở xóm trọ, nhưng N. nhanh chóng có gia đình với một thanh niên thợ sơn quê ở Ninh Thuận. Một đám cưới tổ chức, tưởng đâu đôi vợ chồng son yên bề gia thất. Không ngờ, mong ước hạnh phúc nhỏ nhoi ấy của N. không được như ý. Đời N. bạc phận khi quen một người thợ sơn họ “Sở”. Ngày sinh nở con được 3 tháng thì cha nó dứt tình “phu thê”. Nghe đâu, “hắn” về Vũng Tàu, N. rưng rưng khóe mắt. “Đêm nằm thương con lắm, vì nó đẻ ra thiếu vắng tiếng cha”. Bên trong bốn bức tường lạnh lẽo “gác trọ” lại thiếu vắng người đỡ đầu, N. ngậm ngùi.
Trời về khuya, các dãy trọ mỗi lúc mỗi đông hơn khi lần lượt công nhân tan ca từ nhà máy trở về xóm trọ. Vọng lên từ dãy cuối nhà, một chị hỏi thăm: “Hôm nay, mẹ con T. giờ này chưa về, thêm mẹ thằng cu Tí ở Bến Tre sao về muộn vậy nhỉ”. Chúng tôi quay lại hỏi thăm, hóa ra cả xóm trọ có đến 5 người phụ nữ không chồng ở một mình nuôi con. Cả 5 đều gặp hoàn cảnh giống hệt nhau. Có ai đó nói “xóm không cha”, “xóm bị phụ bạc” quả là rất đúng với khu trọ này.
Rời “xóm không cha”, tôi dẫn xe ra con hẻm, bên trong dãy trọ lạnh lẽo vang lên tiếng khóc của trẻ thơ, tiếng ru của người mẹ nào đó: “Bốn mùa xuân hạ thu đông, chìm trong nỗi nhớ mong ba từng giờ”.
Dìu nhau qua “đoạn trường”
Trong quá trình tìm hiểu thực tế đời sống công nhân, chúng tôi biết được một câu chuyện thật 100% về “Mẹ Diên cứu công nhân phá thai” ở khu phố 8, phường Phú Lợi, TX.TDM, ai nghe cũng cảm động.
Chuyện bà Nguyễn Thị Diên, 52 tuổi, ở xã Trực Thái, huyện Trực Linh, Nam Định, sống trọ khu phố 8, phường Phú Lợi, TX.TDM trở thành người “mẹ bất đắc dĩ” của một nữ công nhân tên H.T.H., quê ở Thanh Hóa “nằng nặc” đòi mượn 4 triệu đồng để phá cái thai. Một câu chuyện hiện thực giữa đời thường 100%.
Khi nhắc đến tình cảnh người con nuôi, bà Diên với vẻ mặt đượm buồn, bà kể: “Tôi và con H. ở hai quê khác nhau, không bà con thân thích gì, nhưng cùng ở một khu phố gần nơi xóm trọ nên H. hay lui tới mua rau nên thân biết nhau”. Cách đây 2 năm, đột nhiên nó chạy lại “nằng nặc” đòi mượn tôi 4 triệu đồng. Tôi hỏi mượn tiền để làm chi, hỏi hoài nó không nói. Sáng hôm sau mới hay tin, con H. mượn tiền để phá thai. Lúc đó, tôi tức tốc lên Bệnh viện Đa khoa Bình Dương tìm con H. thì nó đã ký vào biên bản cam kết. Tôi liền xông vào, giật tờ giấy xé toạc trước mặt nó và bác sĩ. Bà Diên ân cần bảo H.: “Thôi con về với mẹ, mẹ nhận làm con nuôi, con về đi khi nào sinh mẹ sẽ nuôi cháu cho”. Và H. trở thành con nuôi của bà từ đó...
DƯƠNG CHÍ TƯỞNG