Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Hiện nay KP.Thống Nhất 2, hay còn gọi là “Xóm nghèo” thuộc phường Dĩ An, TX.Dĩ An đã trở thành một trong những khu dân cư sầm uất nhất ở TX.Dĩ An với hơn 10.000 dân cùng hàng trăm cơ sở kinh doanh đang hoạt động. Tuy nhiên, ít ai biết cách đây hơn 20 năm, nơi đây chỉ là một vùng đất cằn cỗi, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Bảo vệ dân phố KP.Thống Nhất 2 tuần tra, nhắc nhở người ở trọ chú ý bảo vệ tài sản, đề phòng kẻ gian
Thay đổi từng ngày
Từ lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi từ đường Lý Thường Kiệt rẽ vào đường Nguyễn Đức Thiệu và đi khoảng 1km nữa là tới “Xóm nghèo”. Khác xa với những gì chúng tôi mường tượng, nơi đây không có những khu nhà lụp xụp mà là những ngôi nhà khang trang, hàng quán san sát hai bên đường, tấp nập người mua, kẻ bán.
Chúng tôi mang thắc mắc về cái tên “Xóm nghèo” gặp anh Lê Khanh Hải, một người hơn 10 năm giữ cương vị Trưởng ban Điều hành KP.Thống Nhất 2 nhờ lý giải, anh cười bảo: “Tôi không biết cái danh “Xóm nghèo” xuất hiện khi nào. Tôi được nghe các cụ cao niên ở xóm kể lại rằng trước đây người Pháp xây mấy dãy nhà cho những chuyên gia của họ sống và làm việc trong Cơ xưởng hỏa xa Dĩ An nên nơi đây được gọi là “Phố Tây”. Sau khi đất nước thống nhất, người dân ở nơi đây thường vào khu đất của Quân đoàn 4 để thu nhặt phế liệu về bán. Một số người trong khi đang nhặt phế liệu không may bị phát hiện và bắt giữ. Sợ bị xử phạt, họ mới nghĩ ra “kịch bản” là do cuộc sống nghèo khổ, gia đình đông con, không có đất canh tác nên phải vào đây nhặt ve chai mưu sinh. Các anh bộ đội nghe họ nói vậy cũng mủi lòng nên chỉ phạt cảnh cáo rồi cho họ về. Từ đó, những người dân địa phương vào đây mà bị bắt giữ thì họ đều diễn chung “kịch bản” đó và đều thoát án phạt. Có lẽ vì vậy, mấy anh bộ đội nghĩ rằng những người dân ở xóm này chắc có cuộc sống nghèo khó nên mới đi nhặt phế liệu. Sau này, mỗi khi nhắc đến người dân ở đây, các anh bộ đội cho họ cái tên là ở “Xóm nghèo”.
Theo người dân địa phương, cái tên “Xóm nghèo” cũng phần nào phản ánh cuộc sống lúc bấy giờ của họ. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, khu vực này chỉ có mấy chục hộ dân với vài trăm nhân khẩu. Đa số người dân ở đây sống chủ yếu bằng việc trồng trọt. Mặc dù đất đai rộng nhưng không được màu mỡ, nguồn nước lại khan hiếm nên người dân chỉ trồng được một vụ hoa màu trong năm nhờ vào nước mưa. Đến vụ thu hoạch, trừ hết các chi phí, người dân không dư dả được nhiều. Trong thời gian nông nhàn, nhiều người phải “tha phương cầu thực”, làm thêm những công việc thời vụ để kiếm thêm tiền để bươn chải cho cuộc sống hàng ngày.
Đến sau năm 1995, Khu công nghiệp Sóng Thần bắt đầu hình thành, nhiều doanh nghiệp đến đây mở xưởng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân. Từ đây, cuộc sống của người dân “Xóm nghèo” bắt đầu đổi thay từ số tiền được đền bù giải tỏa, một số hộ đầu tư vào việc xây nhà trọ, một số lại mở quán ăn, buôn bán nhỏ lẻ để phục vụ cho công nhân lao động. Người dân trong xóm đều có việc làm, con cái họ được đến trường. Số hộ thường trú của “Xóm nghèo” trước đây giờ đã lên tới 635 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu cùng hơn 8.000 người tạm trú. Hiện giờ, “Xóm nghèo” đã không còn nghèo mà đã trở nên sầm uất, thu nhập của người dân tăng đáng kể.
Chứng kiến “Xóm nghèo” “thay da đổi thịt” từng ngày, ông Nguyễn Minh Sang, một người dân địa phương phấn khởi cho biết: “Cũng như nhiều gia đình ở xóm này, trước đây chúng tôi cũng trồng khoai mì… cuộc sống thiếu thốn, phải lo ăn từng bữa. Sau khi khu công nghiệp hình thành thu hút công nhân lao động về đây làm ăn và sinh sống, từ làm nông nghiệp, người dân chuyển sang kinh doanh dịch vụ nhà trọ, buôn bán nhỏ lẻ. Riêng gia đình chúng tôi cũng có hơn 90 phòng trọ, phục vụ nhu cầu chỗ ở cho gần 200 công nhân lao động. Nhờ đó thu nhập của gia đình chúng tôi luôn ổn định, lo cho con cái được học hành đầy đủ”.
Từng là “điểm nóng” về tội phạm
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình hình an ninh trật tự ở “Xóm nghèo” cũng bắt đầu có chiều hướng phức tạp. Nói về điều này, anh Nguyễn Khanh Hải, Trưởng ban Điều hành KP.Thống Nhất 2 là người rõ nhất. Anh Hải cho biết: “Hiện nay, khu phố có 3 mặt giáp với Khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2 và KCN Đồng An (TX.Thuận An). Ngoài ra, khu phố còn có vị trí giáp ranh với phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh và phường Bình Hòa, TX.Thuận An. Với vị trí đặc biệt này, khu phố như một vùng tam giác, được bao quanh bởi các khu công nghiệp. Với vị trí địa lý đặc biệt này, “Xóm nghèo” trở thành khu vực phát triển nhộn nhịp ở Dĩ An nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề về an ninh trật tự. Tình trạng trộm cắp tài sản trong các khu nhà trọ thường xuyên xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân là do người ở trọ chủ quan trong việc bảo vệ tài sản”.
Một vấn đề cũng khiến người dân lúc bấy giờ cảm thấy bức xúc là tình trạng tội phạm băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Trong đó phải kể đến băng nhóm của Nguyễn Văn Minh (tự Minh “đen”, SN 1981, quê Hà Tĩnh). Dưới tay Minh “đen” có hàng chục đàn em đều là thành phần bất hảo, đa số là công nhân bị Minh rủ rê rồi trở thành những tay côn đồ có “số má”. Sau gần 10 năm sống tại khu “Xóm nghèo”, Minh “đen” cùng đồng bọn chuyên thu tiền bến bãi các xe chở khách Bắc - Nam qua địa bàn vùng giáp ranh giữa Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, đồng thời gây ra nhiều vụ thanh toán băng nhóm khác trên địa bàn. Đến cuối năm 2011, Minh “đen” cùng đồng bọn bị “sa lưới”. Không lâu sau, Minh “đen” cùng đàn em bị đưa ra xét xử lưu động tại Cụm văn hóa ở “Xóm nghèo”, nơi trước đây Minh “đen” từng xưng hùng xưng bá. Từ đó, hàng loạt băng nhóm cũng tự tan rã hoặc chuyển địa bàn hoạt động.
Đại úy Phạm Nhật Trường, Phó Trưởng Công an phường Dĩ An, cho biết giờ đây tình hình an ninh trật tự ở “Xóm nghèo” đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nơi đây không còn là địa bàn hoạt động của các băng nhóm hình sự. Người dân cũng không còn nơm nớp lo sợ bị trộm nhập nha mỗi khi vắng nhà. Có được những kết quả trên, theo đại úy Trường, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của Công an địa phương và các ngành chức năng còn có vai trò của Ban điều hành khu phố cùng sự chung tay của người dân địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm.
Với những kết quả trên, nhiều năm liền, KP.Thống Nhất 2 đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa” và khu phố đạt tiêu chí “An toàn về an ninh trật tự”. Bên cạnh đó, nhiều mô hình hay như Câu lạc bộ Chủ nhà trọ, Tổ tự quản an toàn giao thông… đã phát huy vai trò tích cực của quần chúng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự tại khu phố nói riêng và địa phương nói chung.
Người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự
Vừa qua, Công an phường Dĩ An đã bàn giao hai đối tượng tên Phan Quốc Thuận (SN 1999, quê Hà Tĩnh) và Trương Minh Tâm (SN 1990, ngụ TX.Tân Uyên, có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích) cho Công an TX.Dĩ An để điều tra hành vi trộm cắp tài sản.
Trước đó, Thuận và Tâm đến khu vực “Xóm nghèo” để tìm tài sản trộm cắp. Khi lưu thông trên đường Nguyễn Đức Thiệu, Tâm phát hiện xe máy hiệu Exiter của anh Nguyễn Quốc T. để trước nhà nhưng không có người trông coi nên kêu Thuận dừng xe để Tâm xuống lấy trộm. Sau đó, Thuận dừng xe gần đó, nổ máy chờ sẵn, còn Tâm lại gần chiếc xe máy rồi dùng “đồ nghề” bẻ khóa. Lúc này, anh T. phát hiện vụ việc liền tri hô. Bị phát hiện, Tâm bỏ lại xe máy vừa trộm được và leo lên xe Thuận để tẩu thoát nhưng bị anh T. và người dân giữ lại. Lúc này, tổ tuần tra Công an phường Dĩ An trên đường làm nhiệm vụ phát hiện vụ việc đã đưa hai đối tượng về trụ sở. Qua làm việc, Thuận và Tâm đã khai nhận hành trộm xe máy của anh T.
Thời gian qua, được sự vận động của công an địa phương và các cấp chính quyền, người dân ở KP.Thống Nhất 2 đã mạnh dạn tham gia bắt quả tang nhiều đối tượng phạm tội, góp phần giữ gìn ANTT ở địa bàn mình sinh sống. Những trường hợp này đều được công an địa phương đề xuất khen thưởng kịp thời.
NGUYỄN HẬU