Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Đưa chúng tôi trở lại nơi ngày xưa được gọi là “xóm nghèo” (nay là khu phố Thống Nhất 2, phường Dĩ An, TP.Dĩ An), một cán bộ phụ nữ cơ sở nơi đây nói “nay phải đổi tên cho xóm em là… xóm giàu nha chị!”…
Nhớ một thời không xa
Vừa đi vừa giới thiệu một loạt hàng quán, phố thị sầm uất, nhà cửa san sát nhau, chị Trần Thị Hải, cán bộ Đề án Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Dĩ An nói: “Ở đây trước được gọi là xóm vắng, đi một đoạn nữa đến… xóm nghèo. Từ ngày Dĩ An lên thị xã rồi thành phố, phố thị đổi thay dần không còn như ngày xưa, nay thành phố đông và phố giàu hết rồi!”. Chúng tôi gật đầu đồng ý với nhận xét xen lẫn niềm tự hào của một người đã coi nơi này là quê hương thứ hai đầy thân thương như chị Hải.
Xóm nghèo ngày nay là khu phố khang trang
Đến “xóm nghèo”, nay là trục đường chính Nguyễn Đức Thuận của khu phố Thống Nhất 2, nhiều người cho biết nơi đây có nhiều tên gọi lắm, “xóm nghèo”, “xóm nghiệp vụ đường sắt”… gì cũng được. Chúng tôi hỏi có bảng tên đường ghi tên “xóm nghèo” không để chụp ảnh…làm kỷ niệm, nhiều người dân cười vui nói “làm gì còn cô ơi, mà uổng ha, nếu còn cũng hay chớ bộ!”.
Theo lời giải thích của bà con nơi đây, “xóm nghèo” có tên từ lâu lắm rồi. Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, như nhiều nơi khác, ở đây cũng thiếu thốn, nghèo khó, dân tứ xứ đến lập nghiệp và người ta quen gọi “xóm nghèo” từ đó. Không nghề nghiệp, một số thanh niên, trẻ em ở khu vực này trước đây đi lượm trộm phế liệu, ve chai xung quanh các khu đất trống quanh Đình thần Dĩ An bây giờ để bán kiếm tiền. Xóm Đình – nơi có di tích cấp Quốc gia Đình thần Dĩ An hồi đó cũng vắng nên người ta gọi thành “xóm vắng”, “xóm nghèo” riết mà thành tên. “Xóm nghiệp vụ đường sắt” là do ở đây có khu nhà tập thể (sau đã hóa giá, sang tên cho từng hộ) cho cán bộ làm đường sắt, cũng gọi riết mà thành tên.
Khu vực này từng “vang danh một thuở” do tình trạng an ninh trật tự rất phức tạp. Nói tới địa bàn giáp ranh (tiếp giáp Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh) cũng là nói nơi này. Tình trạng hút chích, trộm cắp hồi đó cũng xảy ra liên miên khiến nhiều người lo sợ cho an toàn của bản thân mình và người thân trong gia đình.
Mô hình trồng rau sạch trên sân thượng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Truyền
Ông Nguyễn Văn Lang, sinh năm 1963, là người sinh ra lớn lên ở Khu phố Thống nhất 2 kể, gia đình ông sống ở dãy nhà tập thể xưa, bây giờ nhiều nhà đã xây mới khang trang hơn nhiều, rất khác so với ngày trước. Hồi đó nơi này là đất nông nghiệp, đất công, người dân thưa thớt nên bà con tranh thủ trồng thêm khoai sắn, đậu mè kiếm tiền lo cái ăn, cái mặc trong gia đình.
Từ năm 1995 trở đi, khi quy hoạch phát triển công nghiệp, nhiều công ty mọc lên, người dân tứ xứ tìm về, ngành nghề dịch vụ phát triển nên cuộc sống của người dân nơi đây mới bắt đầu có sự đổi thay từ đó và cái nghèo lùi xa vào … dĩ vãng. Bà con kiếm thêm thu nhập bằng cách xây phòng trọ cho công nhân thuê, kinh doanh thực phẩm, quần áo… Cư dân “xóm nghèo” ngày xưa nay nhiều người đã học hành đến nơi đến chốn và thành đạt.
Xóm giàu nghĩa tình
“Chưa nói đến chuyện … nghèo, giàu gì hết nhé, nay chúng tôi khẳng định người dân nơi đây giàu nghĩa tình. Mọi người sống với nhau chan hòa, đoàn kết. Được như thế là cả một quá trình, một sự cố gắng rất lớn của chính quyền địa phương và người dân để đồng lòng thực hiện”, ông Hoàng Minh Mạnh, Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường Dĩ An chia sẻ.
Ngày hội đại đoàn kết - nơi gặp gỡ, giao lưu của người dân khu phố Thống Nhất 2
Ông Mạnh cho biết thêm, trước đây ông công tác tại một công ty của Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng. Ông nhận công tác tại khu phố này từ năm 2015. Gần 10 năm qua, ông chứng kiến cảnh đổi thay ở khu phố và thấy vui mừng vì điều đó. Ban Điều hành khu phố cùng tổ chức Mặt trận, đoàn thể luôn gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt thông tin, lắng nghe ý kiến từ người dân để công tác tốt hơn.
Tình hình an ninh trật tự tại đây được bảo đảm, tệ nạn xã hội không có cơ hội phát triển, không có trường hợp tái nghiện hay nghiện ngập mới, các khoản thu đóng góp từ người dân đều đạt hơn 100 %. Hơn 10 năm qua, năm nào Thống nhất 2 cũng được công nhận là khu phố văn hóa.
Cũng theo ông Mạnh, không những đời sống vật chất được nâng lên mà đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư nơi đây cũng phát triển. Bà con thường đến Cụm văn hóa của khu phố để hội họp, tập thể dục, tổ chức các buổi ra quân tình nguyện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường… nên mọi việc đi vào nề nếp, quy củ.
“Ngày hội đại đoàn kết của khu phố được chúng tôi tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để bà con giao lưu, trao đổi thân tình, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, kịp thời hỗ trợ nhau trong cuộc sống”, ông Mạnh hồ hởi nói.
Chương trình phát thức ăn miễn phí tại khu phố Thống Nhất 2
Gần đây, một hoạt động rất ý nghĩa nữa được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Dĩ An triển khai là tổ chức mô hình “Chiếc tủ yêu thương”. Ban đầu phường thí điểm tại khu phố Thắng Lợi 2 và khu phố Đông Tân, sau đó các khu phố Bình Minh 1, Bình Minh 2, Nhị Đồng 1, Nhị Đồng 2, Thống Nhất 1, Thống Nhất 2 đều hưởng ứng làm theo mô hình “tương thân tương ái” này. Tại khu phố Thống Nhất 2, bà con còn vận động xây dựng nhà đại đoàn kết, giúp nhau khởi nghiệp, làm nông nghiệp xanh…, tạo nên sự khởi sắc tại nơi từng được gọi là “xóm nghèo” này.
Từ lan can tầng 2 của Văn phòng Ban Điều hành khu phố Thống Nhất 2, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn những ngôi nhà lầu khang trang, vững chãi san sát kéo dài đến cuối những con đường mà thấy vui mừng cùng cư dân nơi đây. Cuộc đời của người dân nơi đây đã sang trang, có cuộc sống ngày càng ổn định, song hành với tốc độ phát triển đô thị của một thành phố trẻ. Và tôi cũng nghĩ rằng, “xóm nghèo” sẽ là cái tên mà những người sinh ra và lớn lên nơi đây vẫn tự hào, vẫn nhắc lại mãi để thấy họ đã từng ngày thay đổi với tâm thế tự tin, vững vàng hơn.
Khu phố Thống Nhất 2, phường Dĩ An, TP.Dĩ An hiện có 625 hộ thường trú với khoảng 6.000 nhân khẩu. Lúc cao điểm, khu phố có hơn 7.000 người tính cả tạm trú. Hầu hết người dân ở đây từ nhiều tỉnh, thành khác đến mưu sinh, lập nghiệp. Năm 2023, khu phố còn 9 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, hiện nay chỉ còn 6 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. |
Quỳnh Như