Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
1. Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì giấy tờ nào có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam là:
- Giấy khai sinh; trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;
- Giấy chứng minh nhân dân;
- Hộ chiếu Việt Nam;
- Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
2. Khi một người đã có quyết định thôi quốc tịch Việt Nam thì các giấy tờ như: Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân đã cấp cho người đó có còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam hay không? Việc sử dụng giấy tờ này có vi phạm hay không?
Trả lời:
- Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam quy định:
“Kể từ ngày quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của một người có hiệu lực pháp luật, giấy tờ quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người đó không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam”.
Căn cứ quy định trên, nếu một người đã có quyết định thôi quốc tịch Việt Nam thì các giấy tờ theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam như: Giấy khai sinh; giấy chứng minh nhân dân; hộ chiếu Việt Nam; quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam… sẽ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam.
- Nếu người có quyết định thôi quốc tịch Việt Nam vẫn cố tình sử dụng các giấy tờ như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân để chứng minh đang có quốc tịch Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể:
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng;
+ Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu giấy tờ không còn giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam;
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm.
(Cơ sở pháp lý: Điều 46 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực từ ngày 1-9-2020).