| 20-01-2014 | 00:00:00

Xuân hướng thiện

Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đã cận kề. Với mong muốn mọi nhà, mọi người đều có một cái tết cổ truyền ấm cúng, an lành, tất cả các địa phương đã và đang tập trung chăm lo chu đáo cho nhân dân, nhất là người nghèo có thêm điều kiện vui xuân, đón tết...

Dịp tết đến, xuân về, một điều có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, đó là hoạt động từ thiện, chăm lo tết cho người nghèo lâu nay đã trở thành một tập quán của các doanh nghiệp (DN), tổ chức từ thiện xã hội, cá nhân hảo tâm… Năm 2013, lại thêm một năm sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhưng khá nhiều DN dành cho quỹ từ thiện xã hội hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hầu hết các DN đều chung tay, góp sức tạo nên một phong trào sâu rộng vì cộng đồng. Đó là một nét đẹp của DN, doanh nhân cùng sẻ chia lợi ích của mình với xã hội, tạo nên một nét đẹp nhân văn của đạo lý kinh doanh.

Như đã thành thông lệ, trước Tết Nguyên đán, nhiều tổ chức, đơn vị, DN, những người hảo tâm bận rộn với công việc tuy thầm lặng nhưng đầy ắp tình người. Đó là những chuyến đi về với đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến xưa để trao tận tay họ những phần quà tết. Đó là những phần quà tết cho công nhân lao động xa quê không có điều kiện về sum họp cùng gia đình. Các gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chăm lo. Mỗi lời chúc tết, mỗi phần quà thể hiện sự quan tâm chăm lo chu đáo. Bằng tình cảm và trách nhiệm, những tấm lòng sẻ chia tuy nhỏ bé nhưng đầy tình nghĩa của nhiều tổ chức, cá nhân, các cơ quan đoàn thể, chính quyền, từ tỉnh đến các địa phương, đã trở thành nguồn động viên vô cùng to lớn với người nghèo trước thời ngưỡng đón xuân, vui tết.

Không chỉ thế, cùng với những tấm lòng sẻ chia của xã hội, của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, người dân nghèo cũng thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ, động viên nhau cùng vượt khó. Đó cũng là một nét đẹp truyền thống mang tính văn hóa cộng đồng. Nét đẹp truyền thống đó lại càng được phát huy khi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đang được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Có thể nói hoạt động từ thiện, giúp người nghèo đã trở thành một xu hướng tất yếu thấm đẫm tính nhân văn, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.

NHẬT HUY

Chia sẻ