Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ngành gỗ đang nỗ lực với nhiều giải pháp. Thời gian này, các nhà máy sản xuất đồ gỗ cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Bên cạnh đó, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các DN cũng đa dạng hóa sản phẩm, chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác nhằm bù đắp mức sụt giảm từ các thị trường chính.
Nỗ lực hết mình
Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đang tồn kho nhiều, sức mua giảm mạnh, các DN xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tăng trưởng âm. Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành vừa công bố báo cáo tài chính quý I-2023 với doanh thu 331 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hết quý I-2023, công ty chỉ lãi 1,8 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Triệu Phú Lộc (huyện Bắc Tân Uyên)
Năm 2023, gỗ Trường Thành đặt mục tiêu doanh thu 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng, tăng 15 lần so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, DN này mới hoàn thành 4,7% kế hoạch lợi nhuận năm. Ban lãnh đạo gỗ Trường Thành cho biết năm 2023 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và DN nói riêng khi tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài, các DN phải cạnh tranh thị phần bằng mọi giá cũng làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra ngày càng thấp.
Tình hình sản xuất, kinh doanh bị sụt giảm mạnh không chỉ riêng tại gỗ Trường Thành mà đã và đang xảy ra với hầu hết các DN trong các lĩnh vực gỗ, thủy sản, dệt may khác trong cả nước. Tuy nhiên, các DN vẫn rất nỗ lực để tồn tại, từng bước vượt qua sóng gió. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam, chia sẻ trước đây 100% sản phẩm ván sàn của công ty chỉ tập trung xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay nhu cầu của thị trường này sụt giảm mạnh khiến lượng hàng xuất đi Mỹ cũng giảm, chỉ còn khoảng 35-40% sản lượng sản xuất của nhà máy. Bà Đỗ Thị Kim Loan cho biết ngay khi thị trường Mỹ chững lại, lãnh đạo Công ty Sao Nam đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Australia, Canada… để bù đắp phần nào lượng sụt giảm từ thị trường chính.
“Khi thị trường xuất khẩu lớn nhất khó khăn, chúng tôi tìm kiếm thêm khách hàng ở thị trường Canada và chấp nhận làm gia công cho khách hàng ở Australia. Hiện có các nhà nhập khẩu ván gỗ Australia chuyển nguyên liệu sang cho công ty theo hình thức tạm nhập tái xuất, chúng tôi sẽ thực hiện các công đoạn gia công, đóng gói và xuất trở lại cho họ. Tỷ trọng tham gia vào các sản phẩm này chỉ khoảng 40-50% nhưng đây là sự thích nghi để duy trì hoạt động của nhà máy, tạo việc làm cho công nhân trong giai đoạn khó khăn”, bà Đỗ Thị Kim Loan chia sẻ.
Thêm áp lực cạnh tranh
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU vẫn đang ở mức cao. Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, Mỹ - thị trường chiếm đến gần 60% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam, dù chưa phục hồi nhưng với sự trở lại của “đối thủ cạnh tranh” Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ càng thêm khó khăn…
Cùng với đó, ngày 19-4, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Theo đó, luật mới sẽ được áp dụng với các sản phẩm cà phê, ca cao, đậu nành, gỗ xẻ, dầu cọ, thịt gia súc, giấy in, cao su và các sản phẩm phái sinh, từ các nước trên thế giới. Các sản phẩm thuộc nhóm này nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU. Các DN xuất khẩu sản phẩm như vậy tới châu Âu sẽ phải cung cấp chứng nhận sản phẩm.
Chia sẻ các thông tin mới nhất từ EU về các bước chuẩn bị thực hiện quy định hàng hóa không gây mất rừng của EU, ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách chính sách về khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội - Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết luật mới được đưa ra nhằm loại bỏ những yếu tố khuyến khích phá rừng trong các chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng ngày tại châu Âu.
Cũng theo ông Rui Ludovino, ngành gỗ và cà phê sẽ bị tác động lớn bởi quy định của EU. Tuy nhiên, việc Việt Nam đang thực hiện Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU (Hiệp định VPA/ FLEGT), trong đó có quy định về pháp lý, về phát triển bền vững ngành gỗ sẽ là điểm mạnh của Việt Nam, cho phép Việt Nam có quy trình quản trị về rừng. Đây là cơ sở quan trọng của ngành gỗ Việt Nam mà các ngành như cao su, cà phê có thể noi theo.
TIỂU MY