| 03-07-2021 | 10:12:35

Xuất nhập khẩu, điểm sáng trong tăng trưởng - Kỳ 2

 

Kỳ 2: Tận dụng hiệu quả thương mại điện tử

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, việc đẩy mạnh xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, tìm kiếm mô hình xuất khẩu linh hoạt hơn cũng như tối ưu nguồn lực.


Trong khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp tại Bình Dương vẫn nỗ lực duy trì hoạt động. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Esquel Garment Manufacturing Việt Nam

Nắm bắt cơ hội

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết những tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn trong thời gian khi các chuyến hàng bị chững lại. Trong bối cảnh đó, các DN trong ngành đã sáng tạo liên tục, nghiên cứu thay đổi nhiều phương thức, hình thức tiếp thị, bán hàng để mở rộng thị trường thông qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) và ứng dụng công nghệ. TMĐT xuyên biên giới đang trở thành phương thức hữu hiệu để DN mở rộng thị trường. Đây là mô hình ngành gỗ Việt Nam đang hướng tới nhằm tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng. Thay vì chỉ biết đến qua các kênh bán hàng trực tiếp, quảng bá hàng qua hội chợ, các DN đã nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm.

Tiếp cận với những ứng dụng TMĐT, DN gặp phải những thách thức chủ quan như về tầm nhìn và văn hóa DN, nhân lực để đầu tư vào digital sales, marketing, IT. DN chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để đầu tư. Trên nền tảng này, hiện nay, các nhà sản xuất, chế biến gỗ nội thất tại Bình Dương có thể trưng bày sản phẩm, mở showroom thực tế ảo. Theo đó, khách hàng có thể tham quan showroom, tìm kiếm sản phẩm chi tiết với hình ảnh phối cảnh 2D, 3D và trực tiếp liên hệ với người bán thông qua công cụ kết nối có sẵn trên nền tảng.

Theo ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên), cho biết sự phát triển của công nghệ thông tin đang giúp cho thị trường sản phẩm gốm sứ mở rộng hơn. Nếu như trước đây hầu hết phải trông chờ vào các hội chợ, chương trình kết nối của cơ quan chức năng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, đối tác, bây giờ sản phẩm có thể dễ dàng trưng bày bằng công cụ trên mạng internet. TMĐT vừa mở rộng thị trường, vừa tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho người làm nghề gốm sứ không ngừng sáng tạo để khẳng định giá trị sản phẩm. Các DN, cơ sở sản xuất cùng nhau lên sàn TMĐT còn góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống, tiến xa hơn trên thị trường.

Thích ứng kịp thời

Theo dự báo, tình hình xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của các nền kinh tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Việc tận dụng cơ hội mà TMĐT toàn cầu đem tới sẽ giúp các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu, ngoài những giải pháp từ cơ quan quản lý, mấu chốt là các DN phải thực sự vào cuộc, thích ứng với xu hướng, nhất là đối với các FTA.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, bán hàng qua các sàn TMĐT là một trong những cách nhanh nhất để DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình. Từ đó đưa hàng xuất khẩu, mở rộng kinh doanh nhưng không mất nhiều chi phí đầu tư. TMĐT xuyên biên giới đang trở thành phương thức hữu hiệu để DN Việt Nam mở lối vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để hàng hóa Bình Dương kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu rất cần giải pháp mang tính đòn bẩy. Trong đó, TMĐT là vấn đề mấu chốt mà các DN phải thực sự vào cuộc, thích ứng kịp thời.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng điều quan trọng nhất là DN phải tìm hiểu thông tin liên quan đến TMĐT trong các FTA với những nội dung liên quan đến sản phẩm kinh doanh trên TMĐT như bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểm dịch động thực vật hay chứng nhận hợp chuẩn hợp quy và các hàng rào kỹ thuật… Chính sự tham gia, tham vấn các đối tác nước ngoài, các cơ quan quản lý nước ngoài về quy định TMĐT hoặc thông qua cơ quan quản lý của Việt Nam để truyền tải những ý kiến phản biện hay những vướng mắc của mình tới cơ quan quản lý nước ngoài về TMĐT là yếu tố rất quan trọng. (Còn tiếp)

Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BD), cho biết để hỗ trợ tốt nhất cho DN tận dụng kênh xuất khẩu qua các sàn TMĐT toàn cầu, WTC BD hỗ trợ tổ chức các cuộc xúc tiến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào kênh TMĐT quốc tế, qua các đối tác của WTC. Đồng thời, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với ngành công thương triển khai các lớp tập huấn, đào tạo, trao đổi nhằm giúp các DN nhỏ và vừa hiểu rõ, nắm bắt được quy trình, thủ tục, quy định của TMĐT thế giới như cách vận chuyển, hoàn trả, hủy hàng... cũng như cách thức chào hàng trực tuyến để có thể tạo được sự chú ý và phản hồi tích cực của người tiêu dùng trên khắp thế giới.

 TIỂU MY

Chia sẻ