Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Sự hồi phục của lĩnh vực xuất nhập khẩu đã mở ra những tín hiệu tích cực cho quý II. Các doanh nghiệp (DN) đã chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ, bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Kiểm hàng tại một công ty may mặc trên địa bàn TP.Dĩ An
Những con số tiềm năng
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2021 của tỉnh vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Quý I-2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt hơn 7,7 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ, đạt 25,2% kế hoạch năm 2021. Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu quý I-2021 ước đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 23,3% kế hoạch năm 2021.
Các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều có những hướng đi khả quan, nhiều kỳ vọng. Đối với ngành sản xuất gỗ, phải khẳng định rằng chưa bao giờ DN có nhiều đơn hàng xuất khẩu như trong năm 2021. Nhiều DN đến lúc này đã không nhận thêm đơn hàng đến hết năm 2021. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu quý I-2021 ước đạt 1.567 triệu USD, tăng 51,5% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tháng 3-2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ dự ước đạt 551 triệu USD, tăng 38,8% so với tháng trước.
Sự “hồi sức” về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức dự báo. Sau một giai đoạn nỗ lực vượt khó, kim ngạch xuất khẩu quý I-2021 của ngành dệt may ước đạt 660 triệu USD, tăng 5,1% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tháng 3-2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 230,9 triệu USD, tăng 37,9% so với tháng trước và dự báo trong quý II xuất khẩu ngành dệt may sẽ có bước tăng trưởng cao. Dự báo trên được đánh giá là có căn cứ, bởi con số dự báo tương đối sáng sủa. Phía các DN cũng chờ đợi kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam sẽ có mức tăng 20% so với cùng kỳ. Dự báo nhu cầu hàng dệt may đối với thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm 2021.
Quý I-2021, xuất khẩu mặt hàng giày dép ước đạt 483 triệu USD, tăng 7% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tháng 3-2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 163,3 triệu USD, tăng 38,1% so với tháng trước. Đây là con số tăng trưởng khá tốt bởi trong tháng 2, do mất thời gian dài công nhân nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động sản xuất phải tạm dừng. Việt Nam vẫn được ghi nhận là thị trường tốt, được các nhãn hàng tin tưởng.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, ngay từ đầu năm 2021, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch rà soát, nắm tình hình sản xuất, kinh doanh của 8 hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung trong 3 tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động sản xuất, xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan, duy trì mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ. Các DN đã chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ bảo đảm duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất cũng bảo đảm ổn định đến hết quý II-2021.
Dự lường những khó khăn
Hiện nay, Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh, các ngành cũng kịp thời có động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hóa. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành hỗ trợ DN khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Sự trợ sức kịp thời của các cấp ngành là nền tảng tốt cho các DN từng bước khắc phục khó khăn, gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, không thể không kể tới sự chủ động của chính bản thân DN trong quá trình ổn định sản xuất, tìm kiếm đơn hàng và đặc biệt là mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất để phù hợp với sự thay đổi của thị trường. Hiện Việt Nam cũng đã đàm phán với các nước trong EU về điều khoản cho phép các DN Việt Nam bổ sung xuất xứ của nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU. Các DN cũng kỳ vọng tỷ trọng giá trị nhập khẩu vải từ Ấn Độ của DN Việt Nam sẽ tăng từ 1% lên 8% trong năm 2021. Đồng thời giúp ngành giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho rằng nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng có thể thấy xuất khẩu của da giày Việt Nam không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, con số này chỉ là bề nổi, chưa phản ánh đúng tình trạng “sức khỏe” DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Với các DN có thực lực, gia công giày thể thao cho các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas lượng đơn hàng ổn định. Còn những DN có quy mô nhỏ, không có công nghệ sản xuất tốt… đang cực kỳ khó khăn, đơn hàng nhỏ giọt, thậm chí không có.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm tới nay, giá nguyên liệu của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tăng chóng mặt. Có những mặt hàng như gỗ tăng đến 15%. Thêm vào đó, giá vận tải tăng do ách tắc trong khâu vận chuyển trong khi giá đầu ra không thay đổi, DN phải giảm tối đa lợi nhuận. Tất cả những điều đó khiến DN cần nhiều thời gian để phục hồi và có bước tính toán cho phát triển. Một số DN sản xuất, xuất khẩu vẫn đang rất khó về việc thiếu hụt container phục vụ xuất khẩu hàng hóa và phí dịch vụ giá cước vận tải biển, phụ phí tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và tăng chi phí cho doanh nghiệp.
TIỂU MY