| 13-01-2021 | 07:06:05

Ý thức nâng lên, tai họa giảm xuống

Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1- 2020, có lẽ là một trong những nghị định được nhiều người nhớ nhất, không chỉ ở con số tròn mà còn liên quan, tác động rất lớn đến ý thức, hành vi của người tham gia giao thông cũng như thói quen sử dụng rượu, bia - một thứ vốn tưởng chừng không bao giờ thay đổi được của một bộ phận người dân.

 Sau một năm nhìn lại vẫn còn nhớ rõ rằng, ngay sau khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, nhiều người thực sự bất ngờ trước các mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần, có khi còn cao hơn cả giá trị phương tiện. Vì thế, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, phản đối và hoài nghi về tính khả thi mà nghị định mang lại. Thậm chí, nhiều đối tượng vi phạm còn chống đối, thách thức, gây khó dễ cho lực lượng thi hành công vụ. Năm 2020 đã khép lại với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của đất nước vẫn đạt được những chỉ tiêu quan trọng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Trong những thành quả chung đó có sự đóng góp của lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là tính hiệu quả của Nghị định 100. Minh chứng từ những con số của năm 2020: Cả nước xảy ra 14.510 vụ tai nạn giao thông, làm 6.700 người chết, 4.384 người bị thương và 6.420 người bị thương nhẹ. So với năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong năm 2020 giảm 17,7%; số người chết giảm 12,1%; số người bị thương giảm 14% và số người bị thương nhẹ giảm 24,7%... Theo đánh giá, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí là hiệu quả của Nghị định số 100 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Đó là điều rất đáng mừng trong bối cảnh tai nạn giao thông trong những năm qua đã trở thành “thảm họa”. Đặc biệt, việc thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của quần chúng nhân dân được xem là kết quả quan trọng nhất và thực sự có ý nghĩa rất lớn. Từ đó, dần hình thành văn hóa giao thông: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Thực tế, tại nhiều nhà hàng sau khi Nghị định 100 có hiệu lực đã tổ chức xe đưa rước khách hàng miễn phí khi lỡ “quá chén” hay trong các cuộc vui “chén chú, chén anh” cũng đã bớt “ép” nhau... Bởi thế, thực hiện nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ và xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế các vụ tai nạn giao thông, giảm bớt những gánh nặng cho xã hội. Đặc biệt, trong những dịp lễ, tết...

 TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ