Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chỉ với nguyên liệu là ổ bánh mì baguette, mỗi vùng miền lại có những sáng tạo bất ngờ, với sự kết hợp cùng bánh bột lọc, chả cá, xíu mại...
Bánh mì đột nhiên trở thành món ăn hot, đang được nhắc tên nhiều trên mạng xã hội. Lý do là món ăn đặc trưng này được phục vụ cho những du khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng bị cách ly vì dịch Covid-19 ngày 25/2 và xuất hiện trên một kênh truyền hình của xứ sở kim chi.
Từ lâu, bánh mì đã là niềm tự hào của nền ẩm thực Việt Nam với nhiều biến tấu khác nhau. Bánh mì Việt Nam sử dụng bánh baguette có nguồn gốc từ Pháp, được du nhập vào nước ta từ thế kỷ trước. Nhưng khác với phiên bản gốc, người Việt đã "thổi hồn" vào chiếc bánh mì với đủ loại nhân. Mỗi địa phương lại có những sáng tạo riêng, khiến món ăn bình dân này trở thành biểu tượng. Bánh mì từng được bình chọn trong "top 10 món sandwich ngon nhất thế giới".
Bánh mì pate ruốc
Đây là một trong kiểu kinh điển nhất của bánh mì Việt Nam và giống với phiên bản phương Tây nhất. Ổ bánh mì được ăn kèm với pate, thêm một số nguyên liệu Việt như ruốc, rau, chả... Bánh mì nóng giòn, quyện với pate bùi béo, thêm ruốc đậm đà, trở thành bữa sáng quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh sinh viên và dân công sở.
Bánh mì chảo Hà Nội
Bánh mì chảo Nghĩa Tân rất nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: littlequanzz
Ở Hà Nội, hẳn bạn đã quen thuộc với món bánh mì chảo nổi tiếng một thời trên phố Hòe Nhai hay khu Nghĩa Tân. Người ta chuẩn bị một chảo gang nhỏ, cho thêm một phần pate vuông vức, không thể thiếu mỡ béo. Ngoài ra, nhất định phải có thêm một quả trứng lòng đào, vài miếng khoai tây chiên, một thanh xúc xích, hành lá. Quan trọng nhất là phần nước sốt màu đỏ, đậm đà, vừa miệng. Khi bưng ra, chảo vẫn cháy xèo xèo, thực khách bẻ bánh mì nóng giòn, chấm nước sốt và dùng dĩa ăn phần nhân.
Bánh mì sốt vang
Bánh mì sốt vang khá phổ biến ở miền Bắc. Đây cũng là kiểu ăn mang đậm "chất Pháp". Bát sốt vang nóng sốt, gồm vài miếng gân bò được ninh kỹ với ngũ vị, thảo quả, vừa thơm vừa đậm đà. Người ăn bẻ bánh mì thành từng miếng nhỏ, chấm với nước sốt vang để tận hưởng hương vị. Cách nấu sốt vang khá cầu kỳ nên không nhiều cửa hàng bán món này bằng các tiệm bánh mì thông thường.
Bánh mì cay Hải Phòng
Bánh mì có ở nhiều nơi nhưng có lẽ bánh mì cay Hải Phòng là một trong những phiên bản sáng tạo nhất. Thay vì dùng ổ bánh baguette to dài, người dân đất cảng dùng chiếc bánh mì "gầy" bằng hai đốt ngón tay, dài chừng hơn một gang tay. Chiếc bánh nhỏ đến nỗi chỉ đủ phết một chút pate. Nhưng bánh giòn, pate ngon, chấm với loại tương ớt cay nồng, sền sệt, ngon không cưỡng lại được.
Bánh mì Hội An
Tiệm bánh mì Phượng được nhiều du khách nước ngoài biết tới. Ảnh: Nguyên Chi
Với du khách nước ngoài, bánh mì gắn liền với mảnh đất Hội An. Bánh mì phố Hội đã chinh phục được cả những thực khách năm châu khó tính nhất. Ngay cả những người nổi tiếng như sao Hàn, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 Pia Wurtzbach hay diễn viên Hong Kong Chân Tử Đan và vợ cũng từng xếp hàng để mua được một ổ bánh mì Phượng. Tiệm bánh mì nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, mỗi ngày bán hàng nghìn ổ bánh. Bánh mì Hội An có nhân khá đầy đặn, có loại thập cẩm, hoặc bạn có thể chọn thịt nướng, heo quay, cá ngừ, thịt bò trứng, bánh mì chay với đậu phụ và bơ.
Bánh mì thịt quay
Bánh mì thịt quay khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Miếng thịt quay thái to, đủ nạc mỡ, bì nướng xem xém, rưới thêm nước sốt đậm vị. Thông thường, người bán hay cho thêm nhiều rau sống và dưa góp (đu đủ hoặc su hào muối chua) để không ngấy ngán.
Bánh mì bột lọc Đà Nẵng
Loại bánh độc đáo này chỉ có ở khu vực miền Trung, là sự kết hợp kỳ lạ giữa bánh mì và bánh bột lọc. Chiếc bánh bột lọc dai dai, được kẹp vào giữa nhân bánh mì, thêm cả cá hoặc chả giò, rau thơm, thêm nước mắm ngọt giống như ăn bánh bột lọc thông thường. Vỏ bánh mì giòn, quyện với vỏ bánh bột lọc dai dai, tạo nên hương vị khó quên.
Bánh mì bột lọc - biến tấu độc đáo ở Đà Nẵng. Ảnh: Vi Yến
Bánh mì chả cá Nha Trang
Tận dụng đặc sản nổi tiếng là chả cá, người bán hàng ở Nha Trang đã sáng tạo ra món bánh mì chả cá mang đậm bản sắc địa phương. Thay vì thịt quay hay thịt băm nướng, người ta sử dụng miếng chả cá thơm béo, ăn kèm các nguyên liệu quen thuộc như đu đủ muối chua, rau ngò...
Bánh mì xíu mại Đà Lạt
Người Đà Lạt lại sáng tạo bánh mì với xíu mại. Nhịp sống thảnh thơi ở thành phố này khiến món ăn cũng trở nên thanh cảnh hơn. Thực khách có thể từ tốn bẻ từng miếng bánh, chấm vào bát xíu mại. Bánh mì nướng nóng giòn, thơm. Bát nước chấm gồm một chút váng, nước hầm xương heo, cay cay vị ớt, thêm 2 viên xíu mại, ít chả lụa, bì lợn... Mỗi thứ một chút nên dù ăn hết cả suất cũng không thấy nặng bụng.
Bánh mì thịt nướng Sài Gòn
Bánh mì thịt nướng là đặc trưng của bánh mì Sài Gòn. Thịt được tẩm ướp gia vị rất vừa vặn, nêm đường và sả đúng vị miền Nam, sau đó nướng chín trên lửa than. Bánh mì cũng được ăn kèm đồ chua và rau sống để hương vị thêm hài hòa, vừa miệng.
Theo NGOISAO