Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những ngày đầu xuân Tân Sửu, chúng tôi có dịp trở lại xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên - nơi mà người dân vẫn thường gọi là cù lao Rùa. Nép mình giữa dòng Đồng Nai xanh mướt, cù lao Rùa giữ trọn nét yêu kiều của nàng thiếu nữ, làm say lòng biết bao nhiêu lữ khách. Mỗi độ có dịp trở lại nơi đây, tôi thường ghé quán cà phê bến đò ở ấp Thạnh Hiệp của bà Tám Phụng để thưởng thức vị cà phê bên hữu ngạn sông Đồng Nai thơ mộng.
Người dân đến “mua” rau, củ sạch về chuẩn bị cho bữa tối
Tủ rau nghĩa tình
Ngồi trong quán cà phê của bà Tám Phụng ngắm dòng xe và người lên xuống đò trong buổi hoàng hôn là một thú vui luôn thôi thúc tôi tìm đến xứ cù lao sông nước này. Tuy nhiên, trong lần trở lại này, tôi bất ngờ khi chứng kiến sự xuất hiện của chiếc tủ mát được đặt ngay trên đường lên xuống bến đò đang được vận hành bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời, chứa đầy ắp những bó rau, củ sạch. Phía ngoài tủ ghi dòng chữ “Quà tặng chia sẻ yêu thương giá 1.000 đồng của nông dân xã Thạnh Hội. Trân quý thân tặng công nhân lao động”. Bên cạnh chiếc tủ lạnh là một hộp đựng tiền nhỏ xinh dùng để nhận tiền “tùy tâm” của người “mua” rau.
Tổng kinh phí triển khai và thực hiện đề tài chiếc tủ mát rau, củ sạch 1.000 đồng được vận hành tự động bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời ước khoảng 20 triệu đồng, gồm các khoản chi phí để mua vật tư, thiết bị như tủ mát, bình ắc quy, 2 tấm pin năng lượng mặt trời công suất 900W/h nhập khẩu từ Mỹ và hệ thống truyền tải điện… Toàn bộ công triển khai lắp đặt được thực hiện miễn phí. |
Theo tìm hiểu, chiếc tủ rau 1.000 đồng này được những người dân xã Thạnh Hội nhen nhóm ý tưởng từ khá lâu. Theo đó, họ muốn chia sẻ những sản phẩm rau, củ sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tới những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Dù vậy phải đến cuối năm 2020 vừa qua, ý tưởng này mới được triển khai thực tế khi nhóm nghiên cứu, phát triển các ứng dụng khoa học, kỹ thuật từ Viện Phát triển ứng dụng của trường Đại học Thủ Dầu Một có dịp ghé thăm vùng đất sông nước này.
Hỏi ra mới biết, người kết nối ý tưởng tới nhóm nghiên cứu là ông Mai Sông Bé, Nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, một người con của Thạnh Hội. Bà Nguyễn Kim Phụng (Tám Phụng), chủ quán cà phê ở bến đò Thạnh Hội - Vĩnh Cửu, cho biết chiếc tủ mát đựng rau, củ sạch được đặt đối diện quán của bà từ hôm 25 tháng Chạp vừa qua. Bên trong chiếc tủ mát là hàng chục bó rau, củ xanh - sạch được sơ chế sẵn và luôn trong tình trạng tươi ngon, sẵn sàng để chế biến thành những món ăn ngon.
Chúng tôi được ông Mai Sông Bé giới thiệu tới gặp thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, giảng viên Viện Phát triển ứng dụng của trường Đại học Thủ Dầu Một, người trực tiếp nghiên cứu, khảo sát thực tế và thi công công trình tủ mát đựng rau, củ vận hành bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời này. Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc trong khuôn viên Viện Phát triển ứng dụng, trường Đại học Thủ Dầu Một, thạc sĩ Tùng cho biết sau khi nhận được ý tưởng từ người dân Thạnh Hội, ông đã cùng cộng sự lên kế hoạch nghiên cứu, khảo sát thực tế qua tính toán hệ thống năng lượng phù hợp với yêu cầu vận hành 24/24 giờ của chiếc tủ, bảo đảm có thể hoạt động bền bỉ theo thời gian và không phát sinh thêm chi phí về sau.
Tính đến nay, sau gần 1 tháng hoạt động, hệ thống điện năng lượng mặt trời cơ bản đáp ứng nhu cầu làm mát và giữ cho rau, củ trong tủ luôn được tươi ngon khiến ai đi qua cũng ngắm nhìn và tấm tắc gật đầu khen mô hình độc đáo.
Niềm vui nhân đôi…
Kể từ khi chiếc tủ mát đựng rau, củ được trưng bày ở khu vực bến đò Thạnh Hội - Vĩnh Cửu, không khí ở nơi đây đã trở nên vui tươi và nhộn nhịp hẳn ra. Theo đó, vào khung giờ tan ca nhà máy, xí nghiệp (từ 17 giờ đến 18 giờ hàng ngày), đa số công nhân lao động sinh sống ở Đồng Nai đi làm ở Bình Dương và ngược lại khi đi qua đều ghé tủ mát để chọn một bó rau, củ tươi ngon về nấu nồi canh ngọt lành cho gia đình sau một ngày làm việc vất vả. Họ cũng không quên để lại một số tiền tượng trưng 1.000, 2.000 hoặc 5.000 đồng để “nhân đôi niềm vui cuộc sống”.
Ông Mai Sông Bé cho biết chiếc tủ mát mở ra với mong muốn trao tặng những phần rau, củ sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động nên ban đầu những người nông dân Thạnh Hội dự tính viết thông điệp “Tủ rau miễn phí”, nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, sợ nhiều người sẽ vì hai chữ “miễn phí” mà ngại không lấy rau củ nên đã quyết định gắn một thùng tiền nho nhỏ với thông điệp “Tủ rau 1.000 đồng”. Theo ông Mai Sông Bé, toàn bộ số tiền thu được từ việc “bán rau” sẽ được quyên trực tiếp cho Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Hội để phục vụ cho hoạt động thiện nguyện trên địa bàn xã.
Ở một góc độ khác, niềm vui cũng thật sự được nhân đôi khi ý tưởng đầy tính nhân văn, nghĩa tình này được chính quyền và các hội nhóm, đoàn thể địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Trong đó, Hội Nông dân xã Thạnh Hội là một trong những đoàn thể có sự đóng góp năng nổ nhất. Ông Cao Hoàng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội, cho biết khi nghe đến ý tưởng này của ông Năm (ông Mai Sông Bé), hầu hết hội viên nông dân xã Thạnh Hội đều hưởng ứng khá nhiệt tình. Theo đó, các hộ nông dân đã tự nguyện đăng ký góp rau, củ sạch để hỗ trợ duy trì hoạt động cho chiếc tủ nghĩa tình này. Trong đó, bản thân gia đình ông Cao Hoàng Minh cũng đóng góp từ 7 - 10kg rau sạch mỗi tuần.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (quê Vĩnh Cửu, Đồng Nai), làm việc tại một nhà máy ở TX.Tân Uyên, cho biết kể từ khi chiếc tủ rau 1.000 đồng được đặt ở khu vực bến đò Thạnh Hội - Vĩnh Cửu, mỗi ngày đi làm về chị đều ghé “mua” một bó mang về. “Lúc thì đậu bắp, lúc thì bạc hà, khổ qua, rau cải… nhưng có một điều không thay đổi là sự tươi ngon của những bó rau”, chị Nguyệt tấm tắc khen. Theo chị Nguyệt, việc “mua” rau với giá 1.000 đồng mỗi ngày không chỉ giúp tiết kiệm được một phần chi phí cho cuộc sống, điều đó còn giúp lan tỏa năng lượng tích cực, sự yêu đời, thương người trong chính bản thân chị.
Ông Phan Thế Phương, nông dân trồng rau ở ấp Thạnh Hiệp bày tỏ sự phấn khởi khi được nghe hỏi về chiếc “Tủ rau 1.000 đồng”. Theo ông Phương, việc chung tay chia sẻ những giá trị vật chất cho những người có hoàn cảnh khó khăn không chỉ góp phần san sẻ yêu thương, tạo niềm vui cho cuộc sống mà còn góp phần quảng bá hình ảnh rau, củ sạch Thạnh Hội tới đông đảo người tiêu dùng. Sau nhiều lần được thưởng thức các món ăn được chế biến từ các loại rau, củ sạch của nông dân Thạnh Hội, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông Phương. Rau Thạnh Hội tươi ngon và thuần khiết như tấm lòng của những người nông dân nơi đây vậy!
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, giảng viên Viện Phát triển ứng dụng, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết sau chương trình “Tủ rau 1.000 đồng” ông và các cộng sự của mình sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và người dân xã Thạnh Hội xây dựng và phát triển các hệ thống ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất và đời sống ở xứ cù lao này. Ông Tùng cho biết cù lao Rùa là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để thực nghiệm, ứng dụng các thành quả khoa học kỹ thuật vào cuộc sống của người dân. Đây là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy và tạo nên một “Làng thông minh” theo định hướng phát triển chung của tỉnh. |
ĐÌNH THẮNG