| 20-09-2024 | 09:40:46

Trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động

 Hàng năm, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương (gọi tắt là trung tâm) đã tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng ngàn lao động. Song song đó, trung tâm còn đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền pháp luật tại các doanh nghiệp (DN), khu nhà trọ, giúp công nhân lao động tránh xa “tín dụng đen”, lừa đảo qua mạng...

 Cán bộ trung tâm đến tư vấn pháp lý trực tiếp tại DN, giúp NLĐ nâng cao kiến thức để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình

 Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động

Chị N.T.N.D. làm việc ở bộ phận kinh doanh Công ty T.T.K. (TP.Tân Uyên). Dù được công ty cho nghỉ việc theo đúng Bộ luật Lao động, tuy nhiên bộ phận kinh doanh của công ty không trả 20 triệu đồng tiền hoa hồng/ đơn hàng mà chị D. được hưởng trong quý sau cùng khi chị nghỉ việc. Lý do mà công ty đưa ra là “còn một đơn hàng chưa được thu hồi nợ”. Tuy nhiên, chị D. cho rằng để có được hoa hồng 20 triệu đồng, chị phải thực hiện thành công cả trăm đơn hàng khác trong một quý. Đơn hàng cuối cùng, khi chị đã được công ty cho nghỉ việc thì không còn tư cách pháp nhân để thu hồi nợ cho công ty...

Nhận được yêu cầu hỗ trợ của chị D., trung tâm đã cử cán bộ tham gia các bước. Qua hòa giải, cuối cùng Công ty T.T.K. đã trả tiền hoa hồng cho chị D.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, hàng ngày ông phải đọc và xử lý nhiều hồ sơ khiếu nại, kiện tụng của người lao động (NLĐ) gửi về nhờ hỗ trợ liên quan đến quyền lợi giống như hồ sơ của chị D. Đó là chưa kể đến việc hỗ trợ tư vấn trực tiếp, tư vấn qua mạng, hỗ trợ trả lời qua đường dây nóng. “Nhìn chung, hầu hết các DN thực hiện tốt Bộ luật Lao động, cũng như chăm lo đời sống công nhân lao động. Tuy nhiên, vẫn còn số ít DN nhỏ và vừa, đây là những DN chưa có bộ phận pháp lý, nên không tránh được những sai sót, dẫn đến thiếu công bằng cho NLĐ”, ông Dũng cho biết.

Qua đánh giá, các nội dung liên quan đến khiếu nại mà NLĐ thường gặp xoay quanh các chế độ tạm hoãn hay chấm dứt hợp đồng lao động; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; xây dựng thang bảng lương; thực hiện nội quy lao động và xử lý kỷ luật lao động; chậm trả lương, nợ lương, thưởng, không trả lương ngừng việc; giải quyết các chế độ khi NLĐ nghỉ việc; tai nạn lao động; các chế độ bảo hiểm bắt buộc, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; thỏa ước lao động tập thể…

Theo lãnh đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, khi nhận được hồ sơ liên quan đến các vụ việc khiếu nại, kiện tụng, trung tâm nhanh chóng liên hệ với đại diện DN để nắm rõ vấn đề, phối hợp với chính quyền địa phương sở tại để cùng giải quyết. Qua đó, tỷ lệ hòa giải bước đầu đạt hơn 30%; bước tiếp theo là hòa giải tại tòa đạt khoảng 30%. Số vụ còn lại NLĐ ủy quyền cho trung tâm khởi kiện ra tòa... Qua đó, trung tâm đã đòi được công bằng cho NLĐ với số tiền hàng tỷ đồng/ năm. Điển hình như vụ Công ty Thiết bị máy móc V.L. (TP. Tân Uyên) chấm dứt hợp đồng lao động với chị L.T.C.T., nhân viên hành chính, khi chị T. đang mang thai con đầu lòng. Lý do công ty đưa ra là chị T. “không đáp ứng được công việc nặng tại DN”. Qua hòa giải không thành, trung tâm được chị T. ủy quyền khởi kiện ra tòa và thắng kiện, phía công ty bồi thường cho chị T. với số tiền hơn 82 triệu đồng theo luật lao động.

Cảnh giác trước tội phạm “tín dụng đen”

Theo đánh giá, hiện nay những vấn đề NLĐ hay gặp phải là “tín dụng đen”, tham gia các trò game với tỷ lệ 1 ăn 20; nhiều anh, chị công nhân bị lừa đảo cung cấp CCCD, số tài khoản cho kẻ xấu và bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn…

Trung tâm tổ chức tư vấn pháp luật cho công nhân  tại các khu nhà trọ

Tất cả những vấn đề trên đều được tuyên truyền viên của trung tâm tuyên truyền từ nhà trọ, đến DN. Trong các buổi tuyên truyền có sự phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương nhằm giúp NLĐ không “sập bẫy” lừa đảo.

Tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động

Trung bình mỗi năm, trung tâm hỗ trợ tư vấn pháp luật từ 4.000-5.000 cuộc qua các kênh. Song song đó, để giúp NLĐ hiểu rõ hơn về Bộ luật Lao động, từ đó tự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân, hàng năm, trung tâm phối hợp với các DN trên địa bàn, nhất là những DN chưa có bộ phận pháp lý, để tuyên truyền pháp luật về lao động đến tất cả đoàn viên công đoàn, công nhân; phối hợp với Đoàn Thanh niên, chính quyền địa phương tuyên truyền pháp luật cho thanh niên, công nhân nhà trọ.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, khi tuyên truyền về pháp luật, tình hình an ninh trật tự tại các khu nhà trọ, tuyên truyền viên thường lồng ghép nhiều vụ điển hình được các cơ quan truyền thông chính thống đăng tải, từ đó phân tích, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc, giúp NLĐ dễ tiếp nhận, dễ nhớ. Phổ biến hiện nay là các vụ án xuất phát từ mâu thuẫn trong lúc ăn nhậu, từ đó dẫn đến ẩu đả, gây án chết người; hay những vụ vì lời qua tiếng lại tại nơi ở, nơi làm việc dẫn đến vi phạm pháp luật. “Song song đó, chúng tôi cũng sưu tầm những gương sáng lập nghiệp, gương sáng trong lao động sản xuất, gương người tốt việc tốt ở các lĩnh vực để tuyên truyền, giúp NLĐ học hỏi. Trong quá trình tuyên tuyền, chúng tôi cũng khuyến cáo NLĐ khi lên mạng cần cảnh giác trước các thông tin giả, tin lừa đảo”... Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương cho biết.

 Để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên, trung tâm thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức; phối hợp công đoàn cấp trên cơ sở nắm tình hình và tư vấn cho công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên, công nhân lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động tại các công đoàn cơ sở có dấu hiệu bất ổn; phối hợp với Thanh tra lao động, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất một số nội dung để tư vấn và giải quyết khi có tranh chấp lao động...

 QUANG TÁM  

Chia sẻ