Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
(BDO) Ngày 2-12, trong khuôn khổ Techfest Vietnam năm 2022 đã diễn ra hội thảo chủ đề “An ninh mạng - Ngành công nghiệp tỷ USD”. Tham gia hội thảo có các kỹ sư, chuyên gia công nghệ, an ninh mạng trong và ngoài nước.
Trình bày tại hội thảo, kỹ sư Mạnh Luật, cựu kỹ sư Trung tâm ứng cứu sự cố Microsoft tại Anh - thành viên Tổ chức chống lừa đảo phi lợi nhuận trên không gian mạng được thành lập tháng 12- 2020, đã chia sẻ về các cuộc tấn công mạng hình thức Ransomware và Supply chain Attack - là một mối đe dọa lớn đối với an ninh mạng trong thời gian qua.
Các diễn giả, chuyên gia an ninh mạng, công nghệ thông tin chia sẻ về vấn đề an ninh mạng tại Việt Nam
Đây là một loại phần mềm độc hại ngăn chặn hoặc hạn chế người dùng truy cập vào hệ thống của họ. Các tác nhân độc hại khóa màn hình của hệ thống hoặc tệp người dùng cho đến khi đối tượng tấn công buộc trả một khoản tiền chuộc. Tuy nhiên, nhiều người thường nhầm tưởng mục đích của các cuộc tấn công chỉ nhằm vào dữ liệu của doanh nghiệp, nhưng thực chất mục đích cuối cùng đó là nhắm vào các khoản tiền chuộc khổng lồ từ doanh nghiệp.
Ransomware cũng đã đạt đến một tầm cao mới trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Một phân tích cho thấy, mã độc tống tiền đã tăng 105% vào năm 2021 với hàng trăm triệu cuộc tấn công được phát hiện. Những hạn chế do đại dịch Covid-19 khiến các công ty ngày càng phụ thuộc vào phương thức làm việc từ xa và hệ thống đám mây, điều này khiến vai trò của các công ty an ninh mạng trong thị trường bảo vệ chống lại phần mềm tống tiền ngày càng trở nên quan trọng.
Kỹ sư Mạnh Luật cho biết, dù các cuộc tấn công hình thức Ránomwre và Supply Chain Attack ngày càng nghiêm trọng nhưng tại Việt Nam có đến 67% doanh nghiệp không hiểu biết về nó.
Các dịch vụ ransomware dưới dạng dịch vụ đã thu hút một loạt nhóm độc hại mới, sau đó làm tăng số lượng và mức độ đa dạng của các mối đe dọa.
Cuộc tấn công có thể bắt đầu với việc một nhân viên nhấp vào một liên kết trông vô hại và điều này có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng khiến doanh nghiệp mất cả số tiền lớn. Điều này có thể xảy ra theo nhiều cách thức khác nhau. Gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng chỉ là một vài hậu quả mà các cuộc tấn công mạng mang lại. Điều này thường xảy ra dưới sự hỗ trợ của phần mềm tống tiền, có thể lây nhiễm cho máy tính và hạn chế quyền truy cập vào tất cả các hệ thống cho đến khi doanh nghiệp trả một số tiền chuộc nhất định để mở khóa hệ thống.
Dù vậy, theo thống kê, hiện có đến 67% doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết về Ransomwase và Supply chain Attack. Vì thế, theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng, để phòng tránh các cuộc tấn công dưới hình thức này thì về ngắn hạn các chuyên gia bảo mật khuyến cáo doanh nghiệp cần liên tục cập nhật, sửa lỗi các phần mềm, sao lưu dữ liệu; về dài hạn cần chú ý nguồn nhân lực chuyên môn cao, thường xuyên được tập huấn các tình huống xảy ra khi bị tấn công, nhận sự cố vấn từ các đơn vị cung cấp dịch vụ an toàn thông tin…
Trước những nhu cầu bảo vệ, an ninh mạng đang trở thành một ngành công nghiệp có trị giá tỷ USD. Theo thống kê, năm 2020, quy mô thị trường bảo vệ chống lại phần mềm tống tiền toàn cầu được định giá 162,5 tỷ USD, dự kiến tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 12,5% và sẽ đạt hơn 418,3 tỷ USD vào năm 2028.
Hội thảo giúp các doanh nghiệp có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin, từ đó quan tâm hơn nữa đến công tác an ninh mạng, phòng chống lừa đảo. Trước những yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là môi trường kinh tế số, lĩnh vực an ninh mạng đã và đang trở thành ngành công nghiệp tỷ USD.
Duy Khang