Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Được tham gia một buổi họp giao ban trực tuyến của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các địa phương cùng Hội Phụ nữ Công an, Quân sự tỉnh mới cảm nhận hết những vất vả của các chị trong những ngày qua. Họ là tình nguyện viên trực tiếp làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, là “chị nuôi” thực sự khi trực tiếp đi tiếp nhận nhu yếu phẩm từ các nguồn hỗ trợ về phân bổ cho người dân khu vực phong tỏa y tế, cách ly tạm thời. Cũng chính các chị đi tiếp tế lương thực, thực phẩm cho công nhân khu nhà trọ, trong đó ưu tiên nữ công nhân đang tạm thời ở lại phòng trọ thực hiện giãn cách xã hội, giảm ca làm việc để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bàu Bàng, cho biết sau sự cố công nhân của Công ty TNHH Ampacs International (KCN Bàu Bàng) mất trật tự, một số người không tuân thủ nội quy phòng, chống dịch bệnh, các chị đã cùng cán bộ đoàn thể, chính quyền địa phương đi vận động công nhân giữ trật tự, trở lại làm việc. Trong những ngày qua, Hội LHPN huyện Bàu Bàng cũng cử tình nguyện viên (6 người/đợt) đồng hành cùng nhân viên ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tại công ty, khu dân cư trên địa bàn… Với các đơn vị còn lại, tất cả các cấp hội đã động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh.
Về việc tiếp nhận và phân bổ nhu yếu phẩm cũng không hề dễ dàng gì. Do tình hình dịch bệnh, vận chuyển khó khăn nên các chuyến xe chở gạo từ miền Tây lên, các xe chở rau củ quả của các tỉnh từ Tây nguyên hay Lâm Đồng về ủng hộ phải trung chuyển giữa đường để tiếp tục chuyển hàng đến những điểm tập kết. Để có những phiên chợ không đồng, gian hàng không đồng phục vụ người khó khăn là cả một sự cố gắng rất lớn của chị em cán bộ, hội viên ở cơ sở. Tất cả đều vì mục đích không để người dân thiếu thốn trong lúc này.
Vẫn biết thời điểm này là thật sự khó khăn nhưng việc hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc là hết sức cần thiết. Thế nên, với những ai chưa thật sự quá khó khăn, có thể tự lo liệu và cũng không nên làm cho người thân ở xa quá lo lắng vì “nghe nói” khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng cao. Người thân của công nhân đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương vì thế mà… phát hoảng, tìm cách gửi hàng, nhờ nhau nhận hàng, vận chuyển đến những vùng đang cách ly.
Theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều phiên chợ không đồng ngay tại điểm cách ly dành cho người lao động khó khăn đến nhận. Hầu hết trụ sở UBND các xã, phường là điểm tập kết hàng hóa sau đó chuyển đến cho người cần. Hãy yên tâm và tin tưởng vào tấm lòng, sự nhiệt tình của cán bộ hội, đoàn thể ở cơ sở. Ngay lúc này, tại chỗ hỗ trợ nhau là điều cần làm để tránh lây lan thêm nguồn bệnh.
QUỲNH NHƯ