| 09-03-2013 | 00:00:00

Bám đường mưu sinh!

Bất chấp bụi bặm, nắng, gió và hơi nóng của nhựa đường phả vào mặt, hàng ngày có rất nhiều người lao động vẫn bền bỉ bám đường để mưu sinh, dù biết rằng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường là vi phạm luật… Hình ảnh những xe trái cây, những rổ hải sản tươi sống ven đường dường như đã quen với khách đường xa. Trong dòng người xuôi ngược thi thoảng có người dừng lại mua hàng nhưng ít ai một lần nán lại để hiểu sự vất vả của những người bám đường mưu sinh này.

 Sống nhờ bám đường

Hiện nay đang trong những ngày nắng nóng, cái nắng oi nồng, ngột ngạt khiến cho người đi đường ai cũng vội vã lướt qua thật nhanh. Vốn là nơi tấp nập xe qua lại nên phía bên lề đại lộ Bình Dương đoạn từ Trạm thu phí Suối Giữa đến trung tâm TP.TDM là nơi mưu sinh chính của những người bán dạo trên con “ngựa sắt” chở đầy trái cây, bắp luộc hay những sạp hàng bán cua, ốc… Thỉnh thoảng vẫn có những khách đi đường ghé vào quán nước nghỉ ngơi, tránh nắng. Song, dường như cái khắc nghiệt của thời tiết không làm cho người lao động nghèo quên đi gánh nặng mưu sinh.  

Người lao động và những con “ngựa sắt” chở đầy trái cây hàng ngày mặc cho nắng, gió họ vẫn bám đường mưu sinh

Anh Phạm Văn Thiệu, quê ở Thanh Hóa làm nghề bán hải sản ở lề đường cách Trạm thu phí Suối Giữa khoảng 500m đã được 13 năm. Hàng ngày, từ 5 giờ sáng, anh đã tất tả cơm nước, chất lên chiếc xe lôi những rổ ốc, cua, sò rồi chở đến địa điểm này để bày bán. Đến tối khi dòng người trên đường qua lại thưa thớt anh mới bắt đầu dọn hàng về nhà ăn uống, nghỉ ngơi và chuẩn bị công việc ngày hôm sau. Anh cũng như những người bán hải sản ở đây có thâm niên theo nghề này đã lâu nên cũng có những khách hàng quen. Hôm nào bán chạy thì kiếm được 250 ngàn đồng, còn không trung bình cũng được 150 ngàn đồng, đủ để lo cho các con cơm ngày ba bữa.

Rời sạp hàng anh Thiệu, chúng tôi chạy qua Trạm thu phí Suối Giữa và bắt gặp nhiều người trùm mặt kín luôn tay vẫy khách đi đường. Đó là những người bán trái cây, cưỡi trên mình con “ngựa sắt” có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Mỗi người bán một loại trái cây khác nhau, mỗi vị trí khác nhau và cho đến trưa họ vẫn đứng đó, bất chấp cái nắng oi nồng và dòng xe cộ ngược xuôi tấp nập.

Câu chuyện của chúng tôi với những người bám đường vẫn tiếp tục. Mắt tôi dừng lại ở một cụ già bán hoa sen đang xách những can nước nặng trĩu tưới cho hoa. Qua tìm hiểu được biết cụ tên là Nguyễn Văn Xuân, năm nay đã 78 tuổi (ngụ xã Tương Bình Hiệp, TP.TDM). Đã 15 năm rồi, bán hoa sen là nghề mưu sinh chính của cụ. Dù chỉ kiếm được khoảng vài chục ngàn một ngày nhưng để có được những bó sen tươi đi bán, cụ Xuân phải thức dậy từ 1 giờ sáng để hái sen, bó sen. Sau đó cột những bó sen quanh 3 cái giỏ được gắn chắc chắn trên chiếc xe hai bánh, kèm theo 3 can nước to tướng và cụ bắt đầu đẩy bộ hàng chục km để bán. Cụ nói: “Tôi yêu và mê hoa sen lắm, tôi đi bán sen kiếm sống mà không cảm thấy mệt”.

Sau một hồi tỉ tê tâm sự với cụ, chị Đới Thị Thuận (quê Thanh Hóa) đang bán vú sữa kế bên cũng xen vào câu chuyện của chúng tôi, chị nói: “Làm nghề này tưởng nhẹ nhàng nhưng đứng cả ngày dưới trời nắng, bụi bặm cũng cực lắm, mỗi ngày tôi lấy khoảng 40kg vú sữa, hôm nào bán hết cũng kiếm được 150 ngàn đồng, nhưng cũng có hôm bị ế thì cũng phải chịu lỗ”. Rồi chị kể rằng công việc của chị cứ di chuyển quanh năm, không quản gió mưa, hết mùa vú sữa chị chuyển sang bán xoài, ổi, nhãn… “Thời điểm bán được nhất là vào mùa nắng và những dịp nghỉ lễ, cuối tuần. Làm nghề này trưa nào cũng thức, nên quen rồi không thấy buồn ngủ nữa” - chị tiếp tục nói trong tiếng ồn ào của những chiếc xe tải chạy qua.

Tin vào tương lai

Dẫu biết công việc bám đường mưu sinh không hề nhẹ nhàng, suốt ngày họ phải hít bụi, ăn những bữa cơm vội khi có khách hàng đến mua. Song đâu ai biết rằng để ra đường kiếm sống, trước đó họ đã phải bươn chải qua nhiều nghề nhưng rồi không nghề nào trụ được đành phải ra đường kiếm sống lo cho gia đình.

Anh Thiệu bán cua, ốc tâm sự: “Trước, tôi cũng đi làm công nhân rồi “thợ đụng” nhưng thu nhập bấp bênh không đủ lo cho con, tôi đành phải ra đường kiếm tiền nuôi các con ăn học. Vợ chồng tôi cùng quê ở Thanh Hóa vào đây được 13 năm rồi nhưng mới về quê có hai lần thôi. Cực lắm nhưng cũng cố bám trụ vài năm nữa có tiền lo cho con ăn học đã. Mai mốt có chút tiền thì thuê sạp hàng ở chợ bán”.

Còn bà Tư, quê tận Cần Thơ, bán mít bên lề đường gần ngã tư Địa chất than thở: “Cực lắm con ơi, già rồi ở nhà trông cháu cho con đi làm nhưng thấy hai vợ chồng nó chật vật nên ra đây bán mít kiếm tiền nuôi hai vợ chồng già thôi, chứ già rồi có ai thuê mình nữa”.

Dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa tháng 3, chúng tôi cố ngồi với những người phụ nữ bán trái cây để xem chuyện họ bám đường kiếm tiền như thế nào. Nhưng độ 10 phút, mồ hôi khắp người chúng tôi túa ra. Hơi nóng từ nhựa đường bốc lên phả vào mặt rất khó chịu. Chả trách những người buôn bán ở lề đường lúc nào cũng khẩu trang, quần áo kín mít, chỉ chừa hai mắt để quan sát.

Mở lớp “vỏ ngụy trang” ra uống nước, giọng chị Thuận bán vú sữa cất lên: “Tôi bán đây cũng được 3 năm rồi, ngày trước nhiều người mua, bây giờ ở đâu cũng thấy bán trái cây, đã vậy đoạn đường này ngắn thế mà có tới cả chục người bán nên làm ăn khó lắm. Cố gắng làm ít năm nữa rồi mở quán nước gần nhà vừa đỡ vất vả vừa có thời gian chăm sóc gia đình”.

Ngoài những người bán trái cây, bán hải sản, bán hoa tươi, còn rất nhiều người kiếm kế sinh nhai ven đại lộ Bình Dương như bán giày dép, áo quần, lái xe ôm, người bán cây cảnh, cá cảnh rong… Cuộc sống của họ vốn bấp bênh, nay lại càng vất vả hơn giữa cái nắng ngột ngạt trong lúc tiết trời đang vào mùa khô. Song vì cuộc sống và niềm tin vào tương lai chính là động lực xoa dịu đi nỗi nhọc nhằn để họ tiếp tục bươn chải.

 

 TÂM BÌNH

Chia sẻ