Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Những ngày tháng 4 này, cả nước ta sẽ kỷ niệm nhiều sự kiện lớn trong lịch sử của dân tộc, trong đó Chiến thắng Bạch Đằng (CTBĐ) năm 1288 là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng, là bản hùng ca muôn thuở của dân tộc Việt Nam…
Đọc lại lịch sử, là người Việt Nam ai ai cũng đều cảm thấy tự hào: Trận Bạch Đằng năm 1288 xảy ra trên sông Bạch Đằng thuộc đất Đại Việt là một trận đánh quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông trong lịch sử Việt Nam. CTBĐ là một chiến tích của kế cắm cọc trên sông Bạch Đằng do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Đại thắng trên sông Bạch Đằng được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.
3 lần đại phá quân giặc trên sông Bạch Đằng, tùy từng hoàn cảnh lịch sử mà cha ông ta vận dụng các chiến thuật khác nhau, song, có thể nói trên tất cả đó là tinh thần mưu trí sáng tạo, biết phát huy tổng lực sức mạnh của cả dân tộc, vận dụng linh hoạt những chiến thuật đánh thủy và tập trung được sức lực của người dân.
Theo các nhà nghiên cứu, các học giả, CTBĐ là một trận đánh vang dội của quân và dân nhà Trần. Chỉ trong vòng một ngày (8-3 âm lịch, tức 9-4- 1288) toàn bộ đạo binh thuyền của quân xâm lược Nguyên - Mông, trên đường rút ra khỏi Đại Việt qua đường sông Bạch Đằng gồm 400 chiến thuyền, khoảng 4 vạn quân, đã bị tiêu diệt và bị bắt sống toàn bộ.
CTBĐ có những ý nghĩa vô cùng quan trọng: Thứ nhất, quân và dân ta đã tiêu diệt được một trong những đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thời ấy, đập tan mưu đồ tái xâm lăng nước ta một lần nữa. Thứ hai, CTBĐ còn mang ý nghĩa quốc tế, bởi thất bại thảm hại trong trận Bạch Đằng 1288 cũng góp phần tiêu diệt luôn tham vọng xâm lược các quốc gia phương Nam khác của đế quốc Nguyên - Mông. Thứ ba, CTBĐ 1288 cho thấy thiên tài quân sự của Trần Hưng Đạo về công tác chuẩn bị chiến trường, về chiến thuật bài binh bố trận, về việc chọn thời điểm, vị trí, phương tiện tấn công. Thứ tư, đây là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân: Việc chuẩn bị cho thế trận cọc trên địa bàn rộng lớn và phức tạp, nhưng chỉ mất có khoảng 15 ngày (từ 22-3 đến 9-4). Nếu không có sự phối hợp giữa quân và dân thì khó có thể hoàn thành được. Người dân địa phương còn cung cấp cho Trần Hưng Đạo những thông tin quý báu về địa hình, thời tiết, con nước... từ đó có thể định liệu từng bước cho trận chiến.
Dù đã trải qua 725 năm (1288- 2013), CTBĐ luôn là niềm động viên khích lệ tinh thần người dân Việt Nam, trong bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào luôn đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, giữ cho quốc thái, dân an dù kẻ địch có hùng mạnh đến đâu, có trăm mưu ngàn kế cỡ nào. Phát huy truyền thống đánh giặc của CTBĐ, ngày nay Hải quân nhân dân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, viết nên truyền thống vẻ vang “chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”. Truyền thống đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc tài tình của tổ tiên trên chiến trường sông biển mà đỉnh cao là những chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng.
Ngày 27-9-2012, Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Mới đây,UBND thị xã Quảng Yên cùng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp báo về chương trình Lễ kỷ niệm 725 năm CTBĐ (1288-2013), đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Bạch Đằng. Theo đó, UBND TX.Quảng Yên sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 725 năm CTBĐ và đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Bạch Đằng vào ngày 17-4-2013. Và được biết, Quần thể khu di tích lịch sử Di tích CTBĐ theo quy hoạch của Chính phủ sẽ rộng tới 380 ha, trong đó khu vực bảo vệ cấp 1 là 79,4 ha; bảo vệ cấp 2 là 114,8 ha; số còn lại là khu vực dịch vụ. Theo nhiều nhà khoa học ước đoán, số di tích còn nằm dưới lòng đất, ngoài quần thể khu di tích này vẫn còn rất lớn, vì thế, cần phải tiếp tục đầu tư cho các dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ và sưu tầm hiện vật ở đây… Thiết nghĩ, nếu địa phương biết thực hiện tốt chủ trương phát triển du lịch gắn với tôn tạo, bảo vệ di tích, chắc chắn trong tương lai Di tích CTBĐ sẽ là nơi thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước.
VÕ HƯƠNG