| 05-04-2013 | 00:00:00

Điểm sàn 2 mức: “Giải cứu” trường ngoài công lập?

 Đúng vào thời điểm chuẩn bị cho mùa thi đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2013, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) dự kiến áp dụng phương án điểm sàn 2 mức: điểm sàn trên và điểm sàn dưới. Cụ thể, điểm sàn trên xác định chỉ tiêu như cách mà lâu nay đang làm; còn điểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi tương ứng và phải xét thêm điểm thi tốt nghiệp THPT.

 Bộ GD-ĐT cho rằng, phương án điểm sàn 2 mức mới chỉ là dự kiến, bộ tiếp tục lắng nghe và lấy ý kiến rộng rãi và cũng nói rõ đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang tính kỹ thuật (?), bộ vẫn đang nghiên cứu giải pháp tuyển sinh phù hợp. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT vừa “hé lộ” chủ trương nói trên, ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhất là của các chuyên gia giáo dục. Phần lớn ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT không những không hạ điểm sàn mà phải nên tăng điểm sàn mới đúng; vì đó là cách để bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Việc có 2 mức điểm sàn không khác nào là hạ điểm sàn để cứu một số trường đang gặp phải khó khăn trong tuyển sinh. Và đây là điều trái với tuyên bố trước đây của Bộ GD-ĐT rằng sẽ không hạ điểm sàn để cứu một số trường khó tuyển sinh. Với mức điểm sàn dưới của Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra chỉ từ 11 đến 12 điểm thì học sinh nào có điểm ưu tiên tối đa (1,5 điểm) thì chỉ cần trung bình mỗi môn đạt 3 điểm là đậu vào đại học. Còn nếu áp dụng điểm sàn cộng với việc xét thêm điểm thi tốt nghiệp THPT thì cũng có những bất hợp lý. Vì thí sinh đủ điểm sàn dưới lại phải chờ điểm thi tốt nghiệp là bao nhiêu mới đậu. Trong khi chúng ta chưa quản lý được chất lượng giáo dục phổ thông, có nơi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là chưa thực chất, nên chưa thể áp dụng hình thức xét tuyển vào ĐH-CĐ như nhiều quốc gia trên thế giới đang làm.

Vì vậy thực chất của dự kiến phương án 2 điểm sàn chính là hạ điểm sàn. Nếu đúng như vậy thì Bộ GD-ĐT đang chịu sức ép từ các trường khó tuyển sinh, nhất là hệ thống các trường ngoài công lập. Có ý kiến khá gay gắt khi lật lại vấn đề rằng: Không nên xuất phát từ lợi ích của một nhóm đã cho thành lập trường dễ dãi, tuyển sinh dễ dãi, buông lỏng đào tạo rồi bắt xã hội chịu hậu quả thì rất đáng buồn, rất lãng phí. Bởi phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ nói đến việc đáp ứng yêu cầu của các trường, trong khi vai trò quản lý nhà nước là phải vì mục tiêu đào tạo chứ không phải chính sách đưa ra nhằm để “giải cứu” các trường đang gặp khó trong tuyển sinh, nhất là các trường ngoài công lập!

NHẬT HUY

Chia sẻ