Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đó là mục tiêu không chỉ của riêng lực lượng chức năng mà còn là của chính quyền các địa phương và lãnh đạo tỉnh Bình Dương dịp Lễ hội Rằm tháng giêng năm nay. Để giữ gìn nét đẹp văn hóa, bảo đảm sự bình yên một mùa lễ hội, ngay sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tại Bình Dương đã lên kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT) và ra quân dẹp các đối tượng “ăn theo” lễ hội.
Lễ hội Rằm tháng giêng hàng năm tại Bình Dương bắt đầu diễn ra từ sau Tết Nguyên đán, nhưng cao điểm tập trung vào hai ngày 14 và 15 tháng giêng. Do vậy, ngay từ sau tết, Công an tỉnh đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo Chỉ huy thống nhất phương án bảo đảm ANTT, trong đó có cả vấn đề bảo đảm ATGT. Thực hiện phương án này, từ sau tết trên các tuyến đường đến các chùa trên địa bàn TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một… luôn có các đội Cảnh sát giao thông túc trực làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT và bảo đảm phân luồng, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm giao thông thông suốt. Bên cạnh bảo đảm tình hình trật tự giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ còn chú ý phòng chống tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, vấn nạn rải đinh gây nguy hiểm tính mạng và tài sản của người dân trên các tuyến đường.
Tại các điểm diễn ra lễ hội như chùa núi Châu Thới (TX.Dĩ An), chùa Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (TP.Thủ Dầu Một), trong hai ngày cao điểm diễn ra lễ hội là 14 và 15 tháng giêng, lực lượng phối hợp thành lập chốt chỉ huy để kịp thời giải quyết mọi vấn đề phát sinh. Liên tục từ sau tết đến nay, lực lượng phối hợp còn ra quân tém dẹp các đối tượng ăn xin, giả sư hành khất tại các điểm diễn ra lễ hội. Nhờ vậy mà năm nay du khách viếng chùa hành hương không còn phải khó chịu vì vấn nạn ăn xin, giả sư đeo bám quấy nhiễu. Để bảo đảm tài sản của du khách, trong những ngày cao điểm diễn ra lễ hội, lực lượng phối hợp làm nhiệm vụ còn cải trang trà trộn vào dòng người hành hương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng móc túi, cướp giật, giúp du khách yên tâm viếng chùa hành hương, tham dự lễ hội an toàn, vui tươi.
Bên cạnh công tác bảo đảm ANTT, ATGT là hàng loạt công tác khác như bảo đảm an toàn cháy nổ, thông tin thông suốt, nguồn điện chiếu sáng và sẵn sàng cấp cứu nạn nhân khi có sự cố. Để bảo đảm bình yên cho một mùa lễ hội là cả “núi” công việc đòi hỏi nhiều lực lượng cùng tham gia và phải có sự phối hợp nhịp nhàng. Ngay cả việc lợi dụng lễ hội để tăng giá hàng hóa, dịch vụ cũng được ngành quản lý thị trường tính đến và vào cuộc sẵn sàng chấn chỉnh. Chính vì vậy mà trong đợt kiểm tra tình hình trước, trong và sau tết tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh đã liên tục nhắc nhở lãnh đạo các địa phương nơi diễn ra Lễ hội Rằm tháng giêng phải chú ý công tác chuẩn bị nhằm bảo đảm một Êmùa lễ hội vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.
Bảo đảm bình yên một mùa lễ hội là giữ gìn sự bình yên của địa phương, giữ gìn nét đẹp văn hóa mùa lễ hội, tạo hình ảnh quảng bá một Bình Dương an toàn, thân thiện trong lòng du khách gần xa.
LÊ QUANG