Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, dịp tết năm nay các doanh nghiệp trong tỉnh cơ bản bảo đảm nguồn cung ứng nông sản, thực phẩm cho thị trường với giá cả ít biến động.
Khách hàng mua sắm chọn các mặt hàng thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương
Hàng hóa dồi dào, giá ổn định
Thông tin về khả năng cung ứng nông sản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết hiện nay đối với sản phẩm rau củ quả, trái cây tươi… các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn đã và đang đẩy mạnh sản xuất để kịp thời cung cấp ra thị trường. Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định sẽ bảo đảm nguồn cung hàng hóa nông sản, thực phẩm trong dịp tết cho người dân trên địa bàn, đồng thời cung ứng cho các tỉnh, thành lân cận có mức tiêu thụ cao, với mức giá không biến động nhiều. Bình Dương đã chuẩn bị số lượng hàng hóa khoảng 300 tỷ đồng, bảo đảm cung ứng cho người dân, trong đó sản phẩm chế biến trên 2.000 tấn, sản phẩm tươi sống trên 3.000 tấn.
Trong năm 2023, công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết với các sản phẩm chăn nuôi, tổng đàn heo của Bình Dương hơn 13 triệu con, khả năng cung ứng hàng ngày khoảng 7.000 - 8.000 con, trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Mỗi ngày, Bình Dương có thể cung ứng khoảng 70.000 con gà thịt, trong đó 35.000 con cung ứng cho nội tỉnh, còn lại cung ứng cho các tỉnh, thành khác. Như vậy, dịp tết năm nay, với số lượng tổng đàn chăn nuôi hiện có nguồn cung ứng cho người dân nội tỉnh là khá dồi dào, có thể cung cấp cho các tỉnh, thành lân cận.
Có mặt tại hệ thống Siêu thị Co.opmart Bình Dương, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng tiêu dùng được trưng bày dồi dào, phong phú về chủng loại. Đồng thời, ở hầu hết các nhóm hàng đều được triển khai các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng. Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bình Dương, cho biết để thực hiện tốt nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường, phần lớn ngân sách bình ổn hàng tết năm nay được Siêu thị Co.opmart Bình Dương ưu tiên cho các nhóm mặt hàng, như: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Để đáp ứng đủ, không bị gián đoạn nhu cầu mua sắm của người dân, hệ thống siêu thị đã dự trữ hàng hóa cao hơn từ 10 - 30% so với cùng kỳ. Đồng thời, siêu thị đã “chạy” các chương trình khuyến mại giảm giá lên đến 50% đối với hàng trăm mặt hàng để kích thích tiêu dùng.
Bảo đảm an toàn thực phẩm
Theo dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Thực tế này đòi hỏi hoạt động cung ứng, phân phối điều tiết giá cả hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán phải được chủ động, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm tiêu dùng của người dân.
Theo đó, trong năm 2024, toàn tỉnh có 17 doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường với tổng giá trị sản phẩm lên đến gần 12.000 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh). Các mặt hàng bình ổn luôn thấp hơn giá thị trường từ 5-10%. Đối với nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ tại chợ truyền thống ở các huyện, thị, thành phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có giá trị hơn 236 tỷ đồng. Các mặt hàng tham gia bình ổn thị trường gồm 5 nhóm hàng chủ yếu: Lương thực; thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến; thực phẩm công nghệ; xăng dầu. Ngoài ra, sẽ có 8 - 10 đợt bán hàng lưu động trong dịp tết hỗ trợ người dân, công nhân vùng sâu, vùng xa, khu cụm công nghiệp.
Bên cạnh đó, để bảo đảm cung ứng hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn xây dựng kế hoạch bình ổn giá với thị trường nội tỉnh. Đối với những thị trường lân cận, nguồn cung thịt heo và thịt gà của tỉnh còn rất dồi dào, có khả năng kết nối, cung ứng.
Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bên cạnh việc tăng lượng hàng, việc kiểm tra nguồn hàng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong cao điểm tết là mục tiêu được nhiều người quan tâm. Chính vì vậy, các siêu thị, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu đã chủ động làm tốt công tác này. “Mặt hàng trái cây tươi, rau củ quả... được nhập vào hệ thống siêu thị được sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt tỷ lệ 99%. Hệ thống siêu thị đang tích cực đầu tư vào nông nghiệp sạch, phối hợp cùng các nhà cung cấp để sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Hệ thống Siêu thị Co.opmart luôn đặc biệt quan tâm khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi đưa đến tay người tiêu dùng”, ông Đường Bảo Khương cho biết thêm.
Nhu cầu mua sắm lương thực, thực phẩm phục vụ tết của người dân tăng cao, trong khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng… đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường bảo đảm chất lượng đi đôi với bình ổn giá hàng hóa, để người dân yên tâm mua sắm hàng hóa phục vụ tết.
THOẠI PHƯƠNG