| 21-12-2024 | 10:16:13

Bảo đảm hài hòa phát triển nông nghiệp với bảo vệ môi trường

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khuyến khích nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp thị hiếu của thị trường, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.


Mô hình trồng rau theo hướng VietGAP trong nhà màng của HTX Rau sạch Gia đình

Xu hướng tất yếu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người dân sử dụng nhiều hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... gây ra những tác động nặng nề, làm ô nhiễm đất, nguồn nước và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng không bảo đảm yêu cầu, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Nhận thức được điều này, hiện nay các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm hài hòa phát triển nông nghiệp với BVMT.

Điển hình, việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP giúp người nông dân kiểm soát được lượng phân bón, thuốc BVTV và bảo đảm chất lượng an toàn cho sản phẩm. Điều này đã tạo sự khác biệt so với cách làm cũ, thay đổi về nhận thức, kỹ thuật sản xuất trong nông dân. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân còn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới phun sương tự động... mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và BVMT.

Thời gian qua, HTX Rau sạch Gia Đình (phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) đã ứng dụng mô hình “Trồng rau sạch trong nhà màng có hệ thống phun sương” và sử dụng phân thuốc đúng cách; qua đó giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận và góp phần BVMT. Anh Lê Quốc Hải, Giám đốc HTX Rau sạch Gia Đình, cho biết với sự đầu tư và tính toán bài bản, thương hiệu “Rau sạch Gia Đình” đã chiếm được lòng tin của nhiều người tiêu dùng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho HTX, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/ tháng. Ngoài ra, không chỉ đơn thuần là sản xuất, kinh doanh rau sạch, HTX cũng tích cực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng rau sạch đối với những người quan tâm đến mô hình này. Đặc biệt, HTX đã phối hợp với Trường Tiểu học - THCS Ngô Thời Nhiệm xây dựng 2 nông trại liên kết với diện tích 6.000m2, vừa cung cấp thực phẩm sạch cho nhà trường vừa là mô hình trải nghiệm thực tế, các em học sinh có thể trực tiếp thao tác tại vườn rau nhằm bổ sung thêm kiến thức và kỹ năng mềm.

Bà Lưu Thị Ánh Loan, chủ trang trại nuôi gà hậu bị ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, chia sẻ để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, năm 2009 bà quyết định chuyển từ nuôi gà trại hở sang gà trại lạnh ứng dụng công nghệ cao và đã thành công. Hiện trang trại của bà có 3 trại lạnh với tổng số 27.000 con gà; mỗi năm xuất 2 lứa, doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Với diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp đòi hỏi thâm canh cao, trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu khó lường, sản xuất nông nghiệp của Bình Dương không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Để chuyển đổi phát triển ngành nông nghiệp phù hợp với thực tiễn hiện nay, thời gian qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tiếp tục cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn có cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, ngành NN&PTNT tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP. Tính đến nay, toàn tỉnh đã cấp 31 mã vùng trồng/18 vùng sản xuất, 13 mã cơ sở đóng gói/10 cơ sở; 272 tổ chức, cá nhân được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; công nhận 219 sản phẩm OCOP trên 99 chủ thể, trong đó 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp an toàn, đồng thời thực hiện công tác quản lý, BVMT, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết Bình Dương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, khuyến khích phát triển thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về phía ngành, trong thời gian tới tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo trong nông nghiệp gắn với BVMT.

Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; tăng cường công tác quản lý, giám sát, thực hiện quy hoạch bảo đảm phát triển ngành có định hướng, bền vững, phát triển sản xuất đi đôi với đầu tư BVMT. Ngành cũng đề nghị các địa phương có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện xử lý bao bì thuốc BVTV, phân bón trên cánh đồng; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi... Chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến các văn bản pháp luật về BVMT nông nghiệp; nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp và mỗi người dân trong công tác BVMT trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.450 ha diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao. Lĩnh vực chăn nuôi cũng chuyển biến tích cực theo hướng tập trung, quy mô lớn, tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh.

THOẠI PHƯƠNG - HƯƠNG THẢO

Chia sẻ