Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Để chủ động phòng, chống và hạn chế những thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước gây ra, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh, ngành thủy lợi có những giải pháp gì để mang lại hiệu quả. Phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh xung quanh vấn đề này.
Ngành chức năng kiểm tra cửa van cống lấy nước hồ Đá Bàn, huyện Bắc Tân Uyên
- Hiện đang là cao điểm mua khô, xin ông cho biết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh có bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt không?
- Trên địa bàn tỉnh có 3 công trình hồ chứa thủy lợi phục vụ tưới sản xuất nông nghiệp là Cần Nôm, Đá Bàn, Dốc Nhàn. Ngoài ra, còn có hệ thống kênh tưới thuộc hệ thống thủy lợi hồ Suối Giai do tỉnh Bình Phước quản lý đầu mối. Lượng nước của các hồ chứa hiện nay từ 28,98% ÷ 78,85% dung tích hữu ích thiết kế.
Theo báo cáo của các đơn vị quản lý khai thác, các hồ chứa bảo đảm tưới vụ đông xuân 2022-2023 và hiện nay, người dân đã thu hoạch xong vụ đông xuân, chuẩn bị xuống giống vụ hè thu. Dự kiến các hồ bảo đảm nguồn nước để tưới vụ hè thu. Đối với nước sinh hoạt, đến thời điểm hiện tại, chưa xảy ra tình trạng thiếu nước. Hiện nay, hầu hết các xã nông thôn trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư công trình cấp nước sạch, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.
- Chi cục có những đánh giá ra sao về công tác vận hành các công trình thủy lợi đợt cao điểm mùa khô?
- Công tác vận hành các công trình thủy lợi được các đơn vị quản lý khai thác thực hiện theo đúng quy trình quy phạm được duyệt; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ nông nghiệp, tránh rò rỉ, thất thoát nguồn nước. Căn cứ tình hình nguồn nước, các đơn vị lập kế hoạch tưới chi tiết, cân đối nguồn nước, dự báo diện tích bảo đảm nước tưới của từng tuyến kênh trong khu tưới của các công trình thủy lợi để phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân bố trí cơ cấu sản xuất cho phù hợp. Đơn vị này cũng thường xuyên kiểm tra, xác định mực nước hồ và lượng nước hồ còn lại trong suốt quá trình tưới để có phương án phân phối nước hợp lý và có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Đối với các vùng tưới sử dụng nguồn nước triều đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, Đồng Nai để có biện pháp lấy nước phù hợp phục vụ sản xuất của nhân dân ven sông; quản lý, vận hành điều tiết các cống dưới đê bao hợp lý để vừa bảo đảm phòng chống xâm nhập mặn, vừa bảo đảm nước tưới phục vụ cây trồng; tránh tình trạng đóng cống trong thời gian dài và liên tục sẽ làm tăng độ phèn làm chết cây trồng. Đối với các khu vực chưa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn (sông Đồng Nai), đơn vị khuyến khích khai thác tối đa lợi thế của thủy triều, tranh thủ thời điểm triều cường, bơm nước cho các vùng phía đầu nguồn nhằm lấy nước phục vụ tưới.
- Trước tình hình nêu trên, nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt không, thưa ông?
- Xâm nhập mặn xuất hiện từ đầu tháng 1-2023, độ mặn ở mức thấp, chưa ảnh hưởng đến nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam trong việc vận hành xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng để Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam bảo đảm dòng chảy tối thiểu sau đập, đẩy mặn trên sông Sài Gòn. Do có sự phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam trong việc xả duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập, độ mặn trên sông Sài Gòn đã giảm, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
- Chi cục đã triển khai các giải pháp đồng bộ trong phòng chống hạn, xâm nhập mặn như thế nào, thưa ông?
- Chi cục Thủy lợi thường xuyên cập nhật và thông báo tình hình khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn kịp thời cho các đơn vị, địa phương để phục vụ công tác phòng chống hạn; thường xuyên thông báo tình hình xả nước đẩy mặn của hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn tới các huyện, thị, thành phố ven sông để cơ quan, đơn vị và người dân chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.
Chi cục Thủy lợi đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô; triển khai đến các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện các giải pháp như tổ chức vận hành các công trình thủy lợi theo đúng quy trình bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ nông nghiệp; đối với các vùng tưới sử dụng nguồn nước triều chi cục khuyến cáo cần theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn để có biện pháp lấy nước phù hợp phục vụ sản xuất của nhân dân ven sông.
Mặt khác, chi cục chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước; xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới, vùng thiếu nước đối với từng khu vực, từng tuyến kênh tưới đối với từng loại cây trồng cụ thể, xây dựng kế hoạch điều tiết phù hợp nhằm bảo đảm phục vụ sản xuất cho đến cuối vụ. Từ đó, khuyến cáo người dân biết để chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp ngay từ đầu vụ, nhất là các vùng canh tác lúa gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Ngoài ra, chi cục phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trong việc vận hành xả nước bảo đảm dòng chảy tự nhiên và đẩy mặn trên sông Sài Gòn trong mùa khô.
Ngoài các giải pháp nói trên, chi cục tuyên truyền đến các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm bổ sung nguồn nước sinh hoạt và sản xuất như nạo vét các giếng đào; tập trung máy bơm khai thác nước từ các sông suối và hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp giữ ẩm xung quanh gốc và sử dụng nước tưới tiết kiệm.
- Xin cảm ơn ông!
THOẠI PHƯƠNG (thực hiện)