| 12-07-2024 | 14:29:51

Bầu cử Mỹ dưới góc nhìn của doanh nghiệp

Tại cuộc gặp với hàng chục giám đốc điều hành các công ty, tập đoàn lớn tại Washington hồi đầu tháng 6, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Jeffrey Zients đối mặt với bản danh sách những lời phàn nàn quen thuộc về Tổng thống Joe Biden.

Giới lãnh đạo tại Bàn tròn doanh nghiệp, một nhóm đại diện cho nhiều tập đoàn lớn nhất nước Mỹ, phản đối đề xuất tăng thuế của ông Biden. Họ cũng đặt câu hỏi về việc không có đại diện doanh nghiệp trong nội các, ca thán về quá nhiều quy định, thủ tục do các bộ, ngành liên bang ban hành.

Không khí cuộc gặp chưa tới mức căng thẳng, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy sự chán nản kéo dài 3 năm rưỡi của giới doanh nghiệp với chính phủ. Lãnh đạo các công ty, tập đoàn đã bày tỏ thái độ không đồng tình với bình luận của ông Biden về “lòng tham doanh nghiệp”, cũng như việc ông xuất hiện ngay trước đám đông bãi công do nghiệp đoàn tổ chức. Các lãnh đạo này cũng bất mãn trước hành xử của giới quan chức được ông Biden bổ nhiệm, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) Lina Khan, người đã ra quyết định chặn một loạt vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

Tổng thống Mỹ Joe Biden với các lãnh đạo tập đoàn Intel

Nhiều nhân vật tên tuổi ở Thung lũng Silicon và Phố Wall - trong đó có nhà đầu tư mạo hiểm David Sacks và Marc Andreessen cùng ông trùm quỹ đầu tư mạo hiểm Kenneth Griffin, ngày càng lớn tiếng chỉ trích đương kim tổng thống, ca ngợi ông Trump hoặc là chỉ trích cả hai. Tuy nhiên, sự dịch chuyển đó cơ bản phản ánh bước thay đổi trong giới lãnh đạo doanh nghiệp vốn ủng hộ các chính trị gia đảng Cộng hòa, nhưng trước đó chưa từng ủng hộ ông Trump. Có ít bằng chứng cho thấy sự thay đổi lớn về lòng trung thành giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo hướng xa rời ông Biden mà hướng sang ông Trump.

Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư tại Trường Quản lý Yale (thuộc Đại học Yale), người thường xuyên liên hệ với giới lãnh đạo doanh nghiệp, cho biết phần lớn các nhà điều hành mà ông có dịp tiếp xúc tỏ ra thích ông Biden hơn ông Trump. Những doanh nhân từng góp quỹ cho đảng Dân chủ trong quá khứ vẫn tiếp tục làm vậy: Bản danh sách do Ủy ban Bầu cử liên bang công bố gần đây cho thấy chiến dịch tranh cử của ông Biden nhận được đóng góp từ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có Marissa Mayer - cựu Chủ tịch Yahoo, Brad Smith - Chủ tịch Microsoft và Mark Cuban - nhà đầu tư công nghệ.

Dù xuất hiện những tín hiệu chưa rõ nét về việc giới tinh hoa doanh nghiệp đang mất dần sự nhiệt tình đối với đương kim tổng thống, nhưng Nhà Trắng và ê-kíp tranh cử của ông dường như không quá bận tâm. Họ cho rằng chính sách về thuế và các quy định hành chính về cơ bản đều mang lại hiệu quả và được đông đảo người dân ủng hộ. Họ trích dẫn lợi nhuận doanh nghiệp ở Mỹ đạt mức cao kỷ lục dưới thời Tổng thống Biden để chứng minh.

Tuy vậy, chính quyền ông Biden đang có những bước đi để cải thiện quan hệ với giới lãnh đạo doanh nghiệp. Tháng 2/2024, Jeffrey Zients và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet  Yellen đã chia danh sách gồm hơn 100 nhà điều hành doanh nghiệp để điều phối tiếp xúc. Tháng 5, Tổng thống Biden gặp giới lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có nhà điều hành của Marriott, United Airlines và Xerox.

Quan chức Nhà Trắng cho biết, phản hồi từ giới doanh nhân đã đưa tới nhiều thay đổi chính sách, đơn cử như việc Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã nới lỏng quy định mới về giảm phát thải từ ôtô và xe tải sau khi lắng nghe tiếng nói từ các nhà chế tạo. Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo - người thường xuyên gặp gỡ giới lãnh đạo doanh nghiệp - nêu quan điểm trong một buổi trả lời phỏng vấn: “Chúng tôi sẽ không đồng tình với doanh nghiệp về tất cả mọi thứ. Nhưng, chúng tôi sẽ thảo luận trước với họ”.

Bức bối của giới doanh nghiệp đối với ông Biden một phần là vì phong cách và phát biểu từ cá nhân ông. Tổng thống Mỹ đã đả kích trước đám đông về việc các công ty “bóc lột người dân” bằng cách tăng giá, giảm thị phần sản phẩm và hướng chỉ trích vào giới doanh nhân khi nhận các gói thù lao kếch xù. Ông gắn bản thân với các tổ chức lao động thường xuyên hơn và công khai hơn so với các đời tổng thống của đảng Dân chủ.

Cách nói của ông Biden làm phật lòng ngay cả một số lãnh đạo công ty vốn có thiện cảm với ông. Sonnenfeld gọi đó là “cách gây khó chịu không cần thiết” và một dạng “tự hủy hoại”. Nhưng, nó lại hợp tâm lý công chúng. Trong các cuộc thăm dò dư luận, người dân Mỹ thường xuyên cáo buộc các tập đoàn lớn là tác nhân gây lạm phát và phần đông cử tri của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng họ có cái nhìn tiêu cực đối với các tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách của chính quyền ông Biden cũng khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp không hài lòng. Ông Biden đề xuất nâng thuế doanh nghiệp từ 21% hiện nay lên 28% (dù vẫn thấp hơn mức thuế 35% vốn rất phổ biến cho đến khi ông Trump lên nắm quyền và ký quyết định cắt giảm), loại bỏ nhiều điều khoản miễn thuế đối với một số ngành cụ thể. Ông cũng đề xuất tăng thuế đối với người giàu - gồm chủ yếu là lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn nhất thuộc nhóm này.

Nhiều chính sách trên không có gì bất ngờ đối với một tổng thống đảng Dân chủ và cũng không lạ khi chúng vấp phải phản đối từ giới lãnh đạo doanh nghiệp. Nghiên cứu công bố năm 2022 cho thấy 70% nhà điều hành các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán S&P 500 tự nhận mình là người ủng hộ đảng Cộng hòa. Thế nhưng, cũng có một số ngành khác lại khen ngợi chính quyền hiện tại, nhất là khoản tiền hàng trăm tỷ USD đầu tư vào hạ tầng, năng lượng xanh và sản xuất trong nước nhờ có các đạo luật mới có hiệu lực.

Theo Kip Eideberg, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách quan hệ với chính phủ tại Hiệp hội Các nhà chế tạo thiết bị Mỹ (AEM) - tổ chức đại diện cho các công ty chuyên về thiết bị xây dựng và nông nghiệp - thì “quan hệ của chúng tôi với chính quyền Tổng thống Biden rất hiệu quả, nhất là ở những điểm liên quan đến các ưu tiên chính sách chung”.

Theo CAND

Chia sẻ