Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Chỉ trong tháng 9-2024, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã thực hiện thành công 3 ca ghép thận đầu tiên; chính thức ghi tên trên bản đồ ghép tạng Việt Nam.
Ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã khỏe mạnh, được ra viện.
Thành công nối tiếp thành công
Phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối từ năm 2022 và phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần, chị N.T.B.H. (26 tuổi, ở Tuyên Quang) tưởng như cuộc đời đã sụp đổ, chỉ còn ngày một mòn mỏi với những lịch chạy thận dày đặc. Chị không mong muốn gì hơn là có phép màu nào giúp mình được thay thận mới, được sống cuộc đời bình thường, khỏe mạnh. Chị đã gửi gắm ước mơ đó vào các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Và chỉ có ghép thận mới tạo nên phép màu đó.
Người mẹ của chị H. đã có các chỉ số phù hợp với con gái và quyết tâm hiến thận để mang đến cho con gái một cuộc đời mới.
Ngày 8/9, dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo Bệnh viện Đức Giang, tất cả các thành viên trong ê-kíp tuyển chọn ghép thận, gây mê, ghép thận của Bệnh viện vào cuộc, dưới sự giám sát của các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đức Giang, điều đặc biệt ở cặp ghép này là mẹ tương đối nhiều tuổi và thể trạng nhỏ hơn so với người nhận, nên nguy cơ chức năng thận ghép khó đạt như kỳ vọng. Để ca ghép thành công, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và cần tiên lượng trước tất cả các kịch bản có thể xảy ra sau ghép vì khả năng thải ghép ở bệnh nhân tương đối cao. Với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị, ca phẫu thuật ghép thận của bệnh nhân diễn ra theo dự kiến. Sau ghép, sức khỏe cả người cho và người nhận hoàn toàn ổn định, chức năng thận ghép và các chỉ số cận lâm sàng trong giới hạn bình thường và nhanh chóng hồi phục, trở về với cuộc sống thường ngày.
Người mẹ xuất viện sau mổ 1 tuần, sức khỏe ổn định. Chị N.T.B.H hòa hợp với quả thận mới hoạt động tốt, các chỉ số xét nghiệm của thận ghép trong giới hạn bình thường và tiếp tục điều trị duy trì sau ghép, tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Mọi thứ đã thành công ngoài mong đợi.
Trong ngày xuất viện, chị N.T.B.H xúc động: “Tình cảm của người thân trong gia đình và sự tận tụy của các y, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã giúp tôi nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Có lẽ giai đoạn trước và sau ghép thận là những ngày tháng đáng nhớ nhất trong đời tôi. Tôi vô cùng biết ơn những người đã mang lại cho tôi một cuộc đời mới. Bên cạnh sự tận tâm của các y bác sĩ tôi lại càng biết ơn mẹ tôi, người đã sinh ra tôi và lại tiếp tục cho tôi một cuộc đời mới, một cuộc sống khỏe mạnh”.
Ngày 8/9 cũng là ngày Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã chính thức ghi tên mình trên bản đồ ghép tạng Việt Nam, bằng việc thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho bệnh nhân nữ này.
Ngay sau ca ghép thận thành công đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã liên tục tiến hành 2 ca ghép thận tiếp theo và cũng thành công ngoài mong đợi; đưa tổng số ca ghép thận mà bệnh viện đã thực hiện lên 3 ca; dưới sự hướng dẫn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia Bệnh viện Quân y 103.
Ngay sau ca ghép thận thành công đầu tiên, cơ hội cũng đến với anh L.B.C (19 tuổi, ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Tháng 4/2024, anh C. nhập viện với biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, thường xuyên mẩn ngứa... và bất ngờ được phát hiện suy thận giai đoạn cuối, anh rơi vào lo lắng, mệt mỏi, hoảng loạn bởi vì không có sự bất hạnh nào hơn khi biết mình bị mắc căn bệnh không chữa khỏi được. Cuộc sống sau này sẽ gắn liền với bệnh viện và chiếc máy lọc máu chu kỳ. Gia đình cũng đưa L.B.C đến một số bệnh viện trên cả nước để chữa bệnh với mong muốn sức khỏe của mình được cải thiện hơn. Tuy nhiên, anh vẫn phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Khi đến Bệnh viện Đức Giang, các bác sĩ đã tư vấn cho anh về các phương pháp điều trị thay thế thận suy, trong đó ghép thận là phương pháp điều trị phù hợp và tốt nhất đối với anh tại thời điểm này.
Sau khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc người hiến thận là các thành viên trong gia đình, các bác sĩ kết luận thận của mẹ đẻ C. phù hợp để ghép cho con.
Ngày 11/9, vừa qua, ekip ghép thận của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành phẫu thuật ghép thận cho cặp ghép của 2 mẹ con. Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi. Sau ghép, sức khỏe của cả L.B.C. và mẹ đẻ đều tiến triển tốt.
Không có niềm vui nào hơn khi đã được ghép thận thành công, L.B.C chia sẻ: “Giờ đây tôi đã không còn phải mệt mỏi vì chạy thận cũng như hao tốn tiền bạc, tinh thần, sức khỏe nữa, ca phẫu thuật thành công đã mang đến cho tôi hy vọng về cuộc sống mới”.
Ca ghép thận thứ 3 là bệnh nhân P.T.H (24 tuổi, quê Nam Định). Bệnh nhân bị viêm cầu thận, dẫn tới suy thận từ khi mới rời khỏi ghế nhà trường và cuộc sống phải gắn với bệnh viện để chạy thận. Khi sức khỏe của H. đã quá yếu, mẹ của H. quyết tâm cứu con mình bằng mọi giá và hiến thận cứu con. H. đã trở thành bệnh nhân thứ 3 được ghép thận thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Thấy hoàn cảnh gia đình H. quá khó khăn, Bệnh viện không những quyết định thực hiện ca ghép thận cho H. mà còn hỗ trợ về mặt kinh phí để gia đình bớt đi gánh nặng.
Ekip thực hiện ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Nỗ lực làm chủ kỹ thuật ghép tạng
Là Bệnh viện hạng I của Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được đánh giá cao với thành tựu ghép thận khi đã vượt qua những khó khăn, làm chủ kỹ thuật khó bằng sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn, mang lại cơ hội cho người bệnh.
TS.BS. Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viên Đức Giang cho biết: “Để có thể duy trì sự sống thì cứ cách một ngày bệnh nhân phải đến bệnh viện lọc máu 1 lần và ngoài các chi phí bảo hiểm y tế thanh toán thì người bệnh vẫn phải mất một khoản chi phí không nhỏ hàng năm như: các chi phí đi lại, xe cộ và điều khó khăn hơn là những thu nhập của chính họ và của người nhà đi cùng không làm ra được. Và mặc dù được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó. Đối với những bệnh nhân này, nếu được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường”.
Ghép tạng là 1 trong những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỉ 20, là thành tựu kỳ diệu nhất của y học Việt Nam và cũng là biện pháp duy nhất để cứu sống người bệnh giai đoạn cuối. Đây là cơ hội tốt nhất đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không thể hồi phục.
Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá, là phép màu kỳ diệu của cuộc sống giúp cho những người bệnh tưởng chừng như đã không còn hy vọng có thêm cơ hội được sống bình thường, được tiếp tục những ước mơ còn dang dở.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hiện tại khoa Nội thận tiết niệu của Bệnh viện vẫn có gần 170 bệnh nhân. Mỗi ngày có 80 bệnh nhân chia làm 3 ca đang chạy thận nhân tạo chu kỳ ở đây. Việc chạy thận nhân tạo khiến người bệnh và người nhà người bệnh mệt mỏi, đi lại nhiều lần và chi phí tốn kém.
Vì vậy, việc duy trì, phát triển và làm chủ kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sẽ làm cho kỹ thuật này được thực hiện rộng rãi hơn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Theo TTXVN