Báo Bình Dương điện tử - www.baobinhduong.vn
Tổng Biên tập: LÊ MINH TÙNG
Phó Tổng Biên tập: HUỲNH MINH DÂN - NGUYỄN QUỐC LIÊM
Đã hai tuần nay mỗi sáng thứ hai trên đường đi làm tôi đều gặp một cụ bà đứng xin đi nhờ xe ở một góc đường. Tôi đoán chừng bà đã trên 70 tuổi, người ốm yếu, đầu chít chiếc khăn mỏ quạ đã sờn. Trên tay cầm theo chiếc giỏ nhựa cũ kỹ.
Lần gặp thứ nhất tôi cho xe chạy chậm lại để quan sát. Bà đưa bàn tay khẳng khiu của mình lên vẫy xe. Chiếc xe thứ nhất chạy qua. Chiếc thứ 2 cũng không dừng lại. Tới chiếc thứ 3 bà cụ vẫn đứng đó. Tôi chạy tới hỏi thăm thì bà cho biết, đang xin đi nhờ xe ra đoạn đường “vịt Cu chì” để nhặt trái cau cảnh đem bán. Tôi mời bà lên xe dù biết rằng chở người không mang mũ bảo hiểm là vi phạm luật giao thông. Trong hoàn cảnh này, tôi không đành lòng bỏ mặc bà đứng đó khi ánh nắng mặt trời đang dần gay gắt hơn.
Sáng thứ hai tuần này, tôi gặp lại bà nhưng lần này bà đã đi bộ được hơn nửa chặng đường. Tôi dừng xe mời bà lên. Nhận ra “người quen”, bà cụ tỏ ra cởi mở hơn.
Tôi hỏi bà sao không bắt xe đi nhờ mà lại cuốc bộ chặng đường hơn 2 cây số? Bà nói đã nhiều lần xin bị từ chối nên thôi. Bà kể một số người thì nói không có mũ bảo hiểm nên không thể cho đi nhờ. Có những người chạy chậm lại nhìn bà từ đầu đến chân với ánh mắt hoài nghi rồi cho xe chạy luôn. Bà hạ giọng buồn rầu nói rằng có lẽ họ tưởng bà là dân lừa đảo nên không dám cho đi nhờ.
Trưa nay nghe chị đồng nghiệp kể về vụ nhiều người đi đường bị lừa bởi một người phụ nữ ẵm theo 2 đứa con nhỏ. Chị ta nói rằng bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà trong cảnh trắng tay, cần xin tiền để bắt xe về quê ngoài Bắc. Nhiều người mủi lòng đã cho tiền 3 mẹ con. Thế nhưng sau đó người phụ nữ này đã bị lật tẩy bộ mặt thật khi đang “diễn” vở kịch tương tự ở một đoạn đường khác.
Nghe xong câu chuyện, tôi lại nhớ về cụ già sáng nay. Lòng chợt dâng lên nỗi buồn không tên. Trong xã hội mà các mánh khóe lừa lọc ngày càng tinh vi, phổ biến, làm thế nào để đặt lòng tin đúng nơi đúng chỗ?
SONG ANH